Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh: Công nghệ cao là xu thế tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội. Trước thềm xuân mới, PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã có cuộc trao đổi với Báo Gia Lai về những hoạt động trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh tham quan vườn hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ của gia đình ông Ngô Văn Tiên tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh tham quan vườn hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ của gia đình ông Ngô Văn Tiên tại xã Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Đức Thụy

* P.V:Là người có nhiều năm công tác trên địa bàn tỉnh, ông có thể cho biết đôi điều về công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng của tỉnh những năm gần đây?

- Phó Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN DANH: Nhìn chung, công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Song, để khoa học-công nghệ thực sự là động lực phát triển thì các ngành, địa phương cần chủ động đề xuất những nhiệm vụ mang tính bức xúc và đột phá. Qua đó, Hội đồng tư vấn cấp tỉnh mới có cơ sở bàn bạc, lựa chọn tham mưu dựa trên các định hướng của tỉnh đề ra. Muốn vậy, chúng ta phải phát huy vai trò hội đồng khoa học ngành và địa phương thay vì chỉ do 1 đơn vị hay cá nhân đề xuất mang tính chủ quan.
 

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh. Ảnh: Đức Thụy
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh. Ảnh: Đức Thụy


Ngành khoa học-công nghệ cần có sự tổng kết về ứng dụng kết quả nghiên cứu-triển khai (R-D) để kịp thời tìm ra những giải pháp khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả hơn, tạo động lực mạnh mẽ cho giai đoạn mới. Đồng thời, ngành cần tổng hợp các nhiệm vụ khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh để tham mưu giúp UBND tỉnh trong quản lý, công khai dữ liệu R-D.

Ngoài những nhiệm vụ có tính riêng lẻ, Gia Lai cần xây dựng các chương trình khoa học-công nghệ nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược của tỉnh.

* P.V:Theo ông, chúng ta cần quan tâm điều gì để xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực của Tây Nguyên?

- Phó Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN DANH: Trở thành vùng động lực của khu vực là thể hiện vai trò tỉnh nhà trong sự phát triển chung của vùng. Để trở thành vùng động lực, Gia Lai cần dựa vào tiềm năng (yếu tố bên trong) và khả năng phát triển (yếu tố trong và ngoài). Ba trụ cột kinh tế mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra cùng với các nghị quyết về phát triển rau hoa, dược liệu… là đúng với thế mạnh của tỉnh, vấn đề là làm như thế nào để phát triển mang tính bứt phá.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (thứ 3 từ trái sang) tham quan vườn ươm chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang). Ảnh: Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Hà Ngọc Chiến-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (thứ 3 từ trái sang) tham quan vườn ươm chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang). Ảnh: Ảnh: Đức Thụy


Công nghệ cao là xu thế tất yếu nhưng đồng thời cũng cần chọn lựa một số sản phẩm có khả năng để tiến đến thông minh (Smart). Trong thời đại Smart và siêu Smart (Super Smart), công nghệ cho phát triển được liên hợp (Fusion).

Nhu cầu ngày càng đa dạng thì sản phẩm cũng cần phát triển theo hướng đó và đòi hỏi có sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tour du lịch không thể chỉ đến 1 nơi, xem 1 loại hình mà cần kết hợp du lịch sinh thái (tự nhiên và nhân văn), leo núi, nông nghiệp, dược liệu, ẩm thực và trải nghiệm… Hệ nhân tạo càng phát triển thì con người càng có xu hướng thích gần gũi với hệ tự nhiên. Nói chung, con người đang hướng đến những phương thức sản xuất xanh thân thiện với môi trường.

* P.V:Gia Lai có nguồn nhân lực dồi dào nhưng lao động chất lượng cao chiếm tỷ lệ thấp. Theo ông, chúng ta cần chú trọng vấn đề gì trước cơ hội thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới?

- Phó Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN DANH: Tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường nhưng cũng thách thức bởi cạnh tranh và nhiều yếu tố phi truyền thống. Để tận dụng cơ hội trong sân chơi phẳng thì phải có điều kiện. Tuy nhiên, trình độ phát triển chúng ta lại thấp: công nghệ, tài chính, nhân lực…

Do đó, chúng ta cần chọn lựa những sản phẩm thế mạnh trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn các thị trường cùng với quản trị tiên tiến nhằm tận dụng cơ hội của EVFTA, CPTPP… Muốn vậy, cần có nhân lực am hiểu thương mại quốc tế, áp dụng công nghệ cao và Smart vào sản xuất cùng với thực hiện quản trị tiên tiến để đáp ứng yêu cầu thị trường. Do vậy, năng lực tổng hợp, chuyên sâu và thương mại điện tử là rất quan trọng. Đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung, các thị trường đang hướng đến sự chứng nhận Organic.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 LÊ VĂN NHUNG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm