Chính trị

Tin tức

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao thăm chính thức Ấn Độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 3-7 đến ngày 5-7.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushama Swaraj. (Ảnh: Huy Bình/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushama Swaraj. (Ảnh: Huy Bình/TTXVN)



Chiều 4-7, tại thủ đô New Delhi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã Hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj.

Hai bên bày tỏ vui mừng chứng kiến những bước phát triển vững chắc của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ năm 1972. Hai bên đánh giá cao mối quan hệ chính trị nồng ấm giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong những năm qua, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, hợp tác các kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân được liên tục tăng cường.

Việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2016 là minh chứng cho sự tin cậy chính trị ở mức cao; đồng thời đã tạo khuôn khổ quan trọng để hợp tác song phương phát triển toàn diện, sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj tái khẳng định mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển sâu rộng, đúng tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện; đồng thời nhất trí về nhiều biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj cho rằng Ấn Độ và Việt Nam là những nền kinh tế phát triển năng động với nhiều lợi thế bổ sung lẫn nhau, hai bên cần có những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa nhằm đưa hai nước trở thành những đối tác kinh tế quan trọng của nhau.

Hai bên nhất trí cần sớm họp Tiểu ban hợp tác thương mại Việt Nam-Ấn Độ để thảo luận các biện pháp nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều, hướng tới mục tiêu đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí, bao gồm việc đẩy mạnh cung cấp thông tin và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên; tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước tiếp cận thị trường của nhau; thúc đẩy kết nối về mọi mặt từ hạ tầng giao thông đến các kết nối mềm (số hóa, điện tử…). Hai bên cũng nhất trí hợp tác tốt trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AIFTA) và phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Ấn Độ là nước đầu tư vào Việt Nam khá sớm, hiện nay tổng số vốn đăng ký đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 722 triệu USD, đứng thứ 26/119 quốc gia và vùng lãnh thổ; các doanh nghiệp Ấn Độ có tiềm lực trong nhiều lĩnh vực, bày tỏ mong muốn Ấn Độ đứng trong hàng ngũ các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Việt Nam mong muốn tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào các sáng kiến của Ấn Độ như “Make in India,” “Digital India,” “Skill India”… Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay như dịch vụ (phát triển phần mềm và công nghệ thông tin, ngân hàng - tài chính, logistic), cơ khí chế tạo, dệt may, năng lượng và năng lượng tái tạo, dược phẩm…

Hai bên cũng khẳng định tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Phía Ấn Độ cam kết tiếp tục cấp học bổng nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện dự án bảo tồn tôn tạo các Tháp Chàm tại Mỹ Sơn…

Hai bên cũng cho rằng cần duy trì hợp tác về quốc phòng-an ninh với việc Ấn Độ tiếp tục các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp tín dụng ưu đãi và tăng cường hợp tác trong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống hiện nay vì lợi ích của hai nước cũng như góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên.

Với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường hợp tác toàn diện và gắn kết hơn nữa với khu vực, có đóng góp tích cực trên cương vị là cường quốc ở khu vực Châu Á. Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj tái khẳng định cam kết của Ấn Độ đối với việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách “Hành động hướng Đông,” trong đó đặt ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng làm trọng tâm.

Hai bên tái khẳng định hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới; nhấn mạnh các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Kết thúc Hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giai đoạn 2017-2020 giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Chương trình Hành động là khuôn khổ quan trọng định hướng cho các lĩnh vực hợp tác toàn diện của quan hệ song phương, gồm chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế, năng lượng, kết nối, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, giáo dục-đào tạo-nghiên cứu, văn hóa-du lịch-giao lưu nhân dân, pháp luật và tư pháp, y tế-nông nghiệp-thủy sản và chăn nuôi, tài chính và tín dụng, và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Cũng trong ngày 4-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chào xã giao Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Hamid Ansari.

Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ansari đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị nồng ấm và Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ và hoan nghênh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh sang thăm Ấn Độ vào dịp rất có ý nghĩa khi hai nước đang kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác Chiến lược và bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thiết thực vào việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được thiết lập năm 2016; hoan nghênh hai bên ký Chương trình Hành động nhân dịp này.

Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện khẳng định Quốc hội và nhân dân Ấn Độ luôn ủng hộ cho mối quan hệ hai nước; mong muốn các bộ, ngành của hai nước tích cực trao đổi, phối hợp nhằm đưa các lĩnh vực hợp tác phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai bên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Ấn Độ và sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước ngày nay; mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu hơn nữa; khẳng định Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành của Ấn Độ để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế​-thương mại, quốc phòng​-an ninh, văn hóa​-giáo dục, khoa học​-công nghệ và các lĩnh vực hợp tác khác mà khai bên có tiềm năng và có thể bổ trợ cho nhau.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tiếp Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nepal Rajesh Kazi Shrestha cùng một số doanh nghiệp Nepal đến chào xã giao.

Lãnh sự danh dự bày tỏ hân hạnh được giao trọng trách giúp thúc đẩy giao lưu nhân dân, kết nối doanh nghiệp hai nước cũng như bảo hộ công dân Việt Nam tại Nepal trong bối cảnh Việt Nam chưa chính thức thiết lập Cơ quan đại diện tại Nepal.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-Nepal tiếp tục có những bước tiến tích cực, bất kể khoảng cách địa lý xa xôi và việc trao đổi đoàn giữa hai nước còn hạn chế; đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Lãnh sự danh dự và đề nghị Lãnh sự danh dự tích cực thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Nepal.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm