Tham dự hội nghị về phía đoàn công tác Trung ương có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Thị Nga cũng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Gia Lai có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Dương Mah Tiệp và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Nhiều địa phương kiến nghị tháo gỡ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Hiện nay cơ chế chính sách và các hướng dẫn việc triển khai thực hiện chương trình MTQG còn chưa đầy đủ nên các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của chuyến công tác này thu thập những thông tin vướng mắc, lắng nghe ý kiến của các địa phương để họp bàn phương án tháo gỡ.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 5 tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Đức Thụy |
Báo cáo tại hội nghị về tình hình thực hiện các chương trình MTQG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin: Giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển là 11.731 tỷ đồng (chiếm 11,73 nguồn lực phát triển của ngân sách Trung ương) cho các địa phương vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình MTQG: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho vùng Tây nguyên là 3.878 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương bố trí thực hiện hơn 877 tỷ đồng (theo quy định, vốn đối ứng là 1.452 tỷ đồng). Tính đến ngày 31-1, ước thanh toán vốn đầu tư công thực hiện 3 chương trình mục tiêu tại vùng Tây Nguyên trên 1.348 tỷ đồng, đạt 48,12% kế hoạch, thấp hơn 8,88% so với bình quân chung của cả nước (khoảng 57%); 5/5 địa phương trong vùng Tây Nguyên đã giải ngân khoảng 92,9% vốn ngân sách địa phương. Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong khu vực Tây Nguyên là trên 3.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, có 2/5 tỉnh chưa hoàn tất phân bổ kế hoạch của năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan đến chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì hiện nay Trung ương vẫn chưa ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, cụ thể; một số quy định do Trung ương ban hành hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương tạo ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể một số nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí; chưa hướng dẫn cơ chế lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng một số quy định do Trung ương ban hành hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế, tạo ra nhiều khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Ảnh: Đức Thụy |
Nêu một số vướng mắc cụ thể của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành định mức về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung nên tỉnh gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, theo quy định thì không cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ mua đất sản xuất nên một số huyện trong tỉnh không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo, gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, các văn bản hướng dẫn chưa được đồng nhất, dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. “Do vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định quy định về định mức hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung như: Cho phép người dân tự mua bán, chuyển nhượng đất sản xuất bằng nguồn kinh phí được hỗ trợ; hướng dẫn cụ thể đối với việc trên cùng một diện tích thực hiện khoán bảo vệ rừng có được nhận cùng lúc tiền thu được từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và nguồn vốn hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng… để địa phương có cơ sở thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nêu một số vướng mắc cụ thể của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Ảnh: Đức Thụy |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Pháp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu một số vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách. "Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hàng năm của địa phương gây nhiều khó khăn cho việc cân đối, xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các chương trình; gây khó khăn trong công tác tổng hợp nhu cầu từ cấp trực thuộc để xác định danh mục dự án đầu tư trình HĐND tỉnh"-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu.
Về thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG thì kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2-3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp) theo hàng năm. Do đó, địa phương gặp khó khăn trong xác định nguồn vốn để xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng: “Hiện có quá nhiều văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình do các cơ quan Trung ương ban hành, hướng dẫn, đề nghị các Bộ, ngành chủ quản chương trình MTQG nghiên cứu, tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ”.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng cũng nêu lên một số vấn đề còn khó khăn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc Quốc hội chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình MTQG; tỷ lệ giải ngân còn thấp do nguồn vốn đối ứng từ nguồn thu biện pháp tài chính (thu sử dụng đất) không đạt dẫn đến thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án.
Việc thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn khác của các Bộ chủ quản… nên hầu hết các địa phương, các chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên tỷ lệ giải ngân còn thấp… Các địa phương đồng kiến nghị, sớm giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 3 chương trình MTQG; chỉ đạo các bộ, ngành, trung ương khẩn trương rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm liên quan đến vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản hướng dẫn để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Pháp nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình MTQG tại địa phương. Ảnh: Đức Thụy |
Tháo gỡ từ Trung ương
Tại hội nghị, sau khi lắng nghe báo cáo của các địa phương, các Bộ, ngành Trung ương đã phân tích những nguyên nhân tồn tại, đồng thời cũng định hướng các địa phương tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở cập nhật kiến nghị của các địa phương để cùng phối hợp tháo gỡ và có hướng dẫn sớm nhất đối với những vấn đề tồn tại để giúp các địa phương triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao kết quả thực hiện các chương trình MTQG mà 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Khó khăn lớn hiện nay là hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ; thiếu hướng dẫn tiêu chuẩn quy định khung từ Trung ương; có những quy định chưa rõ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau, rất khó để các địa phương thực hiện nên cần phải có sự điều chỉnh. Mặt khác, do tiếp nối nhiều chương trình trước đây và có khái niệm lồng ghép các chương trình chưa rõ nên có sự chông chênh về tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và thậm chí quy trình của các chương trình MTQG. Đây là vấn đề cần xử lý để triển khai thực hiện đồng bộ.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, việc sử dụng các nguồn vốn hiện nay còn chưa hợp lý đối với từng loại công trình, chương trình và từng địa phương. Đáng chú ý là vì áp lực giải ngân nên có nguy cơ kết quả thực hiện các chương trình, dự án chất lượng không cao, hồ sơ không đúng quy định; một số khó khăn do chính các quy định của địa phương trước đây đã xung đột với các quy định hiện tại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã mất thời gian 2 năm trong kế hoạch 5 năm nhưng vẫn chưa xây dựng xong các quy định, thời gian còn lại khối lượng công việc là khổng lồ, kể cả việc điều chỉnh sửa đổi các quy định. Do vậy, từ nay đến hết quý I-2023, phải có đủ quy định khung hướng dẫn thực hiện. Ngay từ bây giờ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương phải nghiên cứu, rà soát đối với các quy định thuộc thẩm quyền thì xử lý ngay các vấn đề còn tồn tại, nếu vượt thẩm quyền tham mưu đề xuất Chính phủ giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga. Ảnh: Đức Thụy |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng lưu ý, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG; đồng thời tính toán ưu tiên các chương trình, dự án có tính khả thi cao; chủ động trong công tác phối hợp triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương. “Tôi đề nghị ở các địa phương, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách sẽ là điều phối viên cùng ngồi lại với các Bộ, ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng tham gia để giải quyết những vấn đề chưa đồng thuận, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương nên chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình thực hiện. Bởi cũng căn cứ các quy định hướng dẫn trên, nhiều địa phương có cách làm tốt, tiến độ giải ngân rất cao. Bên cạnh việc triển khai thực hiện, các địa phương cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình để kịp thời khắc phục những yếu tố rủi ro chủ quan, khách quan. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, 3 ngày sau khi kết thúc hội nghị sẽ có nhiệm vụ tập hợp, rà soát, thống kê và tham mưu cho Phó Thủ tướng văn bản nhắc việc cụ thể đối với từng Bộ, ngành, địa phương về các phần việc đã, cần phải giao kèm theo thời gian thực hiện cụ thể để đôn đốc tiến độ thực hiện.