Thời sự - Sự kiện

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Công tác PCTT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Chiều 20-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Lưu Quang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Lê Minh Hoan-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT.

Dự tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và đại diện một số chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, năm 2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; trong đó, ngay cuối tháng 3-2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hoà Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Ngay sau thiên tai xảy ra, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1.800 tỷ đồng cho 28 tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 với tổng giá trị khoảng 148 tỷ đồng. Cụ thể, Chính phủ xuất cấp 4.171 tấn gạo/4 tỉnh và xuất cấp vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho các địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT xuất cấp 2 tấn hạt giống rau, 3.996 tấn hạt giống lúa, 90 tấn hạt giống bắp, 80.000 liều vắc-xin, 500 tấn hóa chất và 130.500 lít hoá chất sát trùng gia súc, gia cầm, thuỷ sản cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất sau thiên tai với tổng giá trị khoảng 146,58 tỷ đồng. Các địa phương đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực từ Quỹ PCTT, ngân sách địa phương cho các hoạt động PCTT với tổng kinh phí trên 1.248 tỷ đồng…

Cùng với đó, toàn quốc đã điều động 235.905 lượt người và 21.682 lượt phương tiện tham gia TKCN 5.464 vụ, cứu được 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198 km đường; thu hoạch 23.540 ha lúa, hoa màu, dập tắt đám cháy tại 765 căn nhà và 815 ha rừng, kêu gọi thông báo cho 480.248 phương tiện/2.298.145 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, tránh trú đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch (hàng đầu, bìa trái) dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch (hàng đầu, bìa trái) dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Tại tỉnh Gia Lai, trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng một số đợt thiên tai (bão số 1, 2, 4 năm 2022), mưa lớn, áp thấp nhiệt đới và mưa dông, lốc, sét gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Theo đó, tổng giá trị thiệt hại thiên tai gây ra khoảng 110,9 tỷ đồng (giảm khoảng 57,3% so với năm 2021). Riêng trong tháng 3 và 4-2023, tổng thiệt hại do những đợt mưa lớn trái mùa gây ra hơn 5,9 tỷ đồng.

Nhà người dân tại xã Chơ Long (huyện Kông Chro) bị gió làm tốc mái trong cơn mưa dông chiều ngày 14-4-2023. Ảnh: Lê Nam

Nhà người dân tại xã Chơ Long (huyện Kông Chro) bị gió làm tốc mái trong cơn mưa dông chiều ngày 14-4-2023. Ảnh: Lê Nam

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, nhận định tình hình thiên tai năm 2023 có 11-13 cơn bão trên Biển Đông và 5-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền; bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 đến 10-2023 và giảm dần từ tháng 11. Đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7 đến 9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng: Công tác PCTT vẫn còn một số tồn tại như: Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở ở một số nơi hiệu quả chưa cao; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN còn hạn chế; công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, dông, lốc, sét trong thời đoạn ngắn còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng về PCTT; xác định công tác PCTT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; kiện toàn, nâng cao năng lực cơ quan TKCN các cấp; nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT và TKCN; ưu tiên bố trí kinh phí để chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể về PCTT; tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện việc bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, nhất là vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét,...

Có thể bạn quan tâm