Chính trị

Tin tức

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn về "tư duy nhiệm kỳ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp tục chương trình chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 15-6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã báo cáo trước Quốc hội và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 13-6 đến 15-6-2017.

Không tăng trưởng bằng mọi giá

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017.


 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)



Phó Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2017 tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả tốt hơn tháng 4 và quý 1. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,53% so với tháng 4 và tăng 0,37% so với tháng 12-2016. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 5,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (7,4%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,4%, cùng kỳ là 7,9% (đã loại trừ yếu tố giá); tiêu thụ một số nông sản vẫn tiếp tục khó khăn. Nhập siêu trên 2,7 tỷ USD...

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

"Trong đó, Chính phủ nhất quán quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững, bảo đảm cuộc sống của nhân dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường các giải pháp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn; đồng thời tăng cường triển khai các giải pháp, chính sách về một số vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 114 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ; trong đó có 12 phiếu chất vấn Thủ tướng. Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn tại hội trường. Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tiếp tục phát huy những tiến bộ, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém còn tồn tại, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội.

Khắc phục "tư duy nhiệm kỳ"

Sau khi báo cáo giải trình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nghe và trả lời câu hỏi, chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), hiện nay, "tư duy nhiệm kỳ" tồn tại ở các ngành, các cấp rất rõ. Tư duy này dẫn đến tình trạng cắt khúc trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, từng cấp và phân tán nguồn lực đầu tư, kém hiệu quả và lãng phí nguồn lực.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đưa ra giải pháp để khắc phục, hạn chế và tiến tới xóa bỏ "tư duy nhiệm kỳ" của các ngành, các cấp trong thời gian tới.

Về "tư duy nhiệm kỳ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh cán bộ công chức phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm, trách nhiệm, thực hiện đúng chủ trương, chính sách, đường lối của đảng, và pháp luật của Nhà nước.

"Cán bộ nào mà có tư duy nhiệm kỳ thì cán bộ đó không xứng đáng. Chính phủ chủ trương là Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Cho nên bộ máy công quyền đòi hỏi những cán bộ, công chức, viên chức, người lãnh đạo các ngành, các cấp phải trên tinh thần đó", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nguyên nhân dẫn đến “tư duy nhiệm kỳ", Phó Thủ tướng cho rằng đó là do quá trình bầu, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo cán bộ còn hạn chế. Điều này đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ phải thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật; đảm bảo người được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, phải là những cán bộ chuẩn mực.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện ra các trường hợp không thực hiện đúng chức trách trong quá trình thực thi công vụ.

Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương

Trả lời chất vấn của các đại biểu về phân cấp quản lý, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương hiện có nhiều tồn tại hạn chế, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết nguyên tắc hoạt động và tinh thần chung của Chính phủ là phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành. Điều này cũng được phân cấp theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, người đứng đầu. Đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước thực hiện phân công nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, một việc chỉ giao cho một bộ chủ trì.

Vừa qua, các Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt các Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn trong đó phân định rõ và khắc phục tối đa việc bỏ trống hay chồng chéo nhiệm vụ. Chính phủ đang xem xét các Nghị định này. Việc phối hợp thực hiện được thể hiện rõ trong quy chế làm việc của Chính phủ vừa được ban hành. Chính phủ cũng thực hiện tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương theo hướng cấp nào sát nhất thì cấp đó thực hiện, tránh tình trạng nhiều cấp trung gian. Các bộ, ngành không ôm đồm mà ban hành cơ chế thanh, kiểm tra; nếu phát hiện vi phạm, phải xử lý nghiêm minh. Với tinh thần như vậy, các ban chỉ đạo Trung ương cũng không để chồng chéo, hoạt động thiếu hiệu quả.

Phó Thủ tướng chỉ rõ hiện có nhiều ban chỉ đạo liên ngành phát huy được hiệu quả, nhưng có ban còn hình thức, thiếu hiệu quả. Trong thời gian tới, Chính phủ nghiên cứu trình Trung ương đánh giá, sắp xếp lại các ban chỉ đạo liên ngành, hướng tới bỏ những ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả, sáp nhập các ban có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, đồng thời tăng cường điều hành, kỷ luật, kỷ cương trong thành phần nhân sự ban chỉ đạo.

Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện chính sách pháp luật, nhất là trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, đồng thời giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất về luật hóa trách nhiệm, xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định về phối hợp trong các ban chỉ đạo liên ngành.

Giải trình một số vấn đề nóng dư luận quan tâm

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị Chính phủ giải trình về giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Đại biểu cũng nhắc đến giải pháp mà cử tri quan tâm là di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết ở hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua ùn tắc rất lớn. Tuy tình hình tai nạn giao thông đã giảm 3 tiêu chí trong những tháng đầu năm nhưng vẫn còn những vụ tai nạn nghiêm trọng...

Về giải pháp di dời các cơ quan, công sở, trường đại học, bệnh viện... ra khỏi trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng đây là chủ trương đúng nhưng phải thực hiện khoa học, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự... Chính phủ ghi nhận và sẽ nghiên cứu chi tiết vấn đề này cùng với việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch khoa học, đồng bộ, đảm bảo bộ mặt đô thị cũng như yêu cầu của người dân về học tập, sinh hoạt, giảm tải “gánh nặng” về giao thông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp về quy hoạch hạ tầng đô thị, trong đó quy hoạch đô thị phải đồng bộ, các công trình hạ tầng phải hài hòa.

Không thể để tiếp tục tình trạng xây dựng chung cư, cao ốc, khu thương mại lớn ở giữa trung tâm thành phố trong khi hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Phải cải thiện hạ tầng ở trung tâm đô thị, đồng thời phát triển vệ tinh đô thị, đường vành đai kết nối, các tuyến đường nhanh, giao thông công cộng... để đảm bảo chống ùn tắc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn về các dự án gây thất thoát, lãng phí và chính sách của Chính phủ với tình trạng này. Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ đã công khai 12 dự án lớn gây thua lỗ thất thoát. Các dự án này sẽ được cơ cấu sắp xếp lại trên tinh thần không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm đồng thời chỉ đạo khắc phục hậu quả. Hiện Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo về nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí khác và sẽ có biện pháp xử lý theo cơ chế thị trường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ là không tiếp tục để xảy ra tình trạng thua lỗ, thất thoát, tăng cường phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các sai phạm.

Giảm bội chi ngân sách

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch nhưng chi ngân sách Nhà nước lại tăng so với dự toán được giao, dẫn đến tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công tiếp tục tăng cao. Năm 2016 bội chi ngân sách Nhà nước thực hiện cao hơn so với dự toán là 0,69% GDP...

Đại biểu Minh cho rằng cần có giải pháp điều chỉnh chi ngân sách Nhà nước tương thích với mức tăng trưởng GDP để kiểm soát nợ công và bảo đảm cho mục tiêu phát triển dài hạn hiệu quả và bền vững. Ông đề nghị Quốc hội quan tâm hơn việc phê chuẩn và dự toán ngân sách Nhà nước.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo và làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Minh-Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết theo phải lập dự toán thu và chi ngân sách. Một số địa phương dự toán do Quốc hội giao, Hội đồng Nhân dân tỉnh thường giao thu tăng thêm và phấn đấu để chi tiêu nhiều hơn.

"Thực tế khi có dấu hiệu giảm thu thì các địa phương có nỗ lực giảm bớt phần chi nhất là phần chi do Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Nhưng nhiều trường hợp thì thu ngân sách địa phương thấp nhưng chi lại theo dự toán, có khi còn cao hơn dự toán. Do đó tình trạng bội chi tăng lên," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Phó Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về cơ cấu lại thu chi ngân sách, đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Tinh thần là phải cơ cấu lại thu chi ngân sách, bên cạnh đó là phải triệt để tiết kiệm chi, chỉ vay trong khả năng trả được nợ, chi tiêu trong phạm vi khả năng nền kinh tế. Các địa phương khi thu không đạt dự toán thì phải chủ động đề xuất để giảm chi tương ứng.

Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần triệt để cắt giảm những khoản chi không cần thiết, giãn tiến độ một số dự án. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, tiếp tục hoàn thiện thể chế và trình Thường vụ Quốc hội để xử lý, tránh trường hợp ngân sách Trung ương thì giảm thu nhưng vẫn phải bù cho địa phương chi nhiều hơn dự toán.

Trả lời đại biểu về ảnh hưởng của tăng trưởng tín dụng đối với GDP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tăng trưởng GDP phụ thuộc 3 yếu tố về vốn, lao động và năng suất lao động tổng hợp. Vốn gồm vốn ngân sách và vốn tín dụng, vốn đầu tư của các thành phần xã hội tác động đến tăng trưởng.

Thời gian trước, Việt Nam có tăng trưởng GDP 8% thì tín dụng bình quân phải tăng 33%, cá biệt có năm hơn 50%. Gần đây, Việt Nam chỉ tăng trưởng trong khoảng 16-18% với mức tăng trưởng GDP 6%. Chính nhờ tín dụng tăng cao trong quý 1 năm 2017 đã giúp mức tăng trưởng không bị giảm sâu so với dự kiến. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tăng trưởng GDP trong điều kiện các yếu tố khác khó khăn.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ chỉ đạo trong điều kiện hiện nay thì cần đảm bảo tăng trưởng tín dụng 18%, đồng thời đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng, dẫn vốn vào những khu vực sản xuất quan trọng, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, thị trường bất động sản... vừa đáp ứng nhu cầu phát triển, vừa tránh tình trạng "bong bóng bất động sản".

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm