Kinh tế

Phòng-chống hạn: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc mới đây, đại diện các tỉnh Tây Nguyên đưa ra nhiều giải pháp chống hạn căn cơ, bền vững. Một trong những giải pháp đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, xây dựng các hồ chứa nước lớn, các hồ đập thủy điện dừng phát điện trả nước cho vùng hạ du…

Thủy điện trả nước về cho dân

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mực nước trên các sông suối ở khu vực Tây Nguyên đã xuống rất thấp, lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20% đến 70%, có nơi trên 90%. Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ chỉ còn 30 đến 40% so với dung tích thiết kế, mực nước nhiều hồ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Nhiều địa phương trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhiều địa phương trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Giác

Tỉnh Gia Lai hiện có 340 công trình thủy lợi (112 hồ chứa, 188 đập dâng và 40 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 54.684 ha lúa, rau màu và cây công nghiệp. Trong đó có 41 công trình thủy điện đang vận hành (gồm 8 công trình thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 33 công trình thủy điện vừa và nhỏ). Ngoài nhiệm vụ phát điện, các công trình thủy điện này còn cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với những năm trước từ 0,25 mét đến 5,44 mét và chỉ đạt 12,6% đến 54,4% dung tích thiết kế, cá biệt hồ Ia Hrung (huyện Ia Grai) không còn nước. Đa số các hồ chứa thủy lợi nhỏ, đập dâng đều cạn kiệt nguồn nước, khô hạn đang diễn ra trên diện rộng.

Do vậy, bàn về các giải pháp chống hạn lâu dài, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng đề nghị Chính phủ cho rà soát lại quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng Tây Nguyên. Xây dựng các hồ chứa nước lớn và xem đây là cuộc cách mạng toàn vùng Tây Nguyên; chủ động xây dựng các hồ chứa nước nhỏ gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát động phong trào làm ao hồ trong dân ở những nơi có điều kiện. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thủy điện vùng Tây Nguyên để có hướng giải quyết tích cực nhất.

Ông Hùng kiến nghị: “Chính phủ và các bộ ngành cần tính toán lại câu chuyện thủy điện. Đã xảy ra hạn hán thì phải tạm dừng phát điện, trả nước về vùng hạ du để tập trung cứu hạn cho dân chứ không có tư duy phát điện nữa”. Ngoài ra, ông Hùng nêu thực tế sau khi kiểm tra đập thủy điện An Khê-Ka Nak, toàn bộ vùng sông Ba đang chết dần, đặc biệt là hàng ngàn hộ dân ở 2 lưu vực sông và hạ lưu không có nước sinh hoạt và tưới tiêu, mùa màng mất trắng vì thiếu nước.

Trước kiến nghị của ông Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Trong tình hình hạn hán, khô cạn nặng như thế này, thay mặt Chính phủ, tôi yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì quyết định phương thức xả nước các công trình thủy điện, các hồ chứa nước trên tinh thần đảm bảo nước cho sinh hoạt người dân, cho tưới tiêu cần thiết chứ không phải ưu tiên phát điện. Không vì thủy điện phát điện đảm bảo sản lượng mà không có nước cho người dân uống”.

“Cơ hội” chuyển đổi cây trồng

 

Nhiều sông hồ ở Tây Nguyên đã khô cạn. Ảnh: T.H
Nhiều sông hồ ở Tây Nguyên đã khô cạn. Ảnh: T.H

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cũng đánh giá đợt hạn hán đang xảy ra ở Tây Nguyên là đợt hạn lịch sử. Ông dự báo đợt hạn hán này sẽ còn diễn ra ít nhất trong vài tháng tới, mọi thứ có thể sẽ “không một ai tưởng tượng nổi” về mức độ thiệt hại do nắng hạn gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn vùng Tây Nguyên có hơn 7.000 ha lúa đã dừng sản xuất, hơn 8.400 ha lúa thiếu nước, trên 40.000 ha cà phê (hơn 3.000 ha mất trắng) và gần 2.300 ha hồ tiêu bị thiếu nước nghiêm trọng. Dự kiến, đến cuối tháng 3 nếu không có mưa thì diện tích cây trồng bị ảnh hưởng sẽ tăng lên hơn 167.000 ha.Thời điểm này đã có trên 28.300 hộ thiếu nước sinh hoạt và thời gian tới có thể tăng lên 59.000 hộ…

Các bộ, ngành và đại diện các tỉnh Tây Nguyên đề xuất nhiều giải pháp chống hạn mang tính căn cơ, bền vững. Một trong những giải pháp đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, không nhất thiết phải trồng cây lúa để rồi chịu thiệt hại. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các bộ ngành và các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường quản lý nghiêm việc sử dụng nước ngầm bằng các biện pháp mạnh, đồng thời rà soát lại hệ thống cây trồng, để chuyển đổi và bố trí cây trồng phù hợp với từng vùng. Đồng thời ngăn chặn tình trạng phá vỡ diện tích quy hoạch cây trồng như hiện nay.

Chứng minh cho việc này, ông Hùng đưa ra con số cụ thể: Theo quy hoạch cây cà phê vùng Tây Nguyên đến năm 2020 là 447.000 ha nhưng đến cuối năm 2015 đã hơn 577.000 ha, vượt hơn 130.000 ha. Tương tự, cây tiêu quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 toàn vùng là 17.500 ha nhưng đến cuối năm 2015 đã là 53.537 ha. “Tôi nghĩ đợt hạn hán này là cơ hội tốt nhất để toàn vùng và các tỉnh Tây Nguyên nhìn lại điều chỉnh cho hợp lý, kể cả việc tái canh cũng cân đối lại chứ không nên tái canh bằng mọi giá. Tận dụng cơ hội này để đánh giá lại toàn bộ cơ cấu cây trồng vùng Tây Nguyên nhằm quy hoạch phù hợp”-ông Hùng khẳng định.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm