Phòng-chống HIV/AIDS tại Gia Lai: Vẫn còn nhiều rào cản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS năm nay diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong tỉnh Gia Lai về hiểm họa cũng như cách ứng phó với “căn bệnh thế kỷ”.
Ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-cho biết: Trong Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS năm nay, Gia Lai tập trung tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng truyền thông trực tiếp như: truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm; thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tư vấn tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, triển khai hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền lưu động; treo băng rôn, khẩu hiệu tại những nơi có đông người qua lại; tổ chức lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng-chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng-chống AIDS (1-12).
Ngoài tuyên truyền, các hoạt động phòng-chống HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh như: tư vấn, xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt cho phụ nữ mang thai tại các cơ sở điều trị trong tỉnh. Tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương để người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ...
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 1.130 trường hợp nhiễm HIV, nhiều nhất là TP. Pleiku với  330 trường hợp, huyện Chư Pah 111 trường hợp, huyện Ia Grai 102 trường hợp... Trong số này, đã có 397 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 255 trường hợp tử vong do AIDS.
 Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Ảnh: N.N
Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Ảnh: N.N
Từ khi triển khai đến nay, phòng khám ngoại trú dành cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và điểm cấp phát thuốc cho phạm nhân tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã thu hút đáng kể số người nhiễm HIV/AIDS đến đăng ký chăm sóc, điều trị. Bác sĩ Sô Song Hương Ly-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Tính đến ngày 19-11-2019, phòng khám ngoại trú của Khoa Bệnh nhiệt đới đã điều trị ARV (thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân nhiễm HIV) đối với 304 bệnh nhân, trong đó có 284 người lớn và 20 trẻ em. Người nhiễm HIV được phát hiện và đăng ký điều trị sớm tại cơ sở y tế giúp nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong, đồng thời giảm lây lan cho cộng đồng.
Trong năm 2019, công tác điều trị ARV bắt đầu được đưa vào thanh toán qua nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo 100% bệnh nhân điều trị ARV đều có thẻ bảo hiểm y tế và kinh phí đồng chi trả. Nếu không đúng tuyến, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ chuyển tuyến theo quy định. Ngoài ra, hơn 3 năm triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đến nay, đã có 173 người nghiện ma túy tham gia điều trị; số bệnh nhân hiện đang điều trị là 77 trường hợp và đã có 2 trường hợp hoàn thành điều trị.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Vân-Phó Trưởng khoa Phòng-chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) thì sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ngay trong mỗi gia đình, cộng đồng vẫn là rào cản khiến người nhiễm HIV không tìm đến các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện hoặc từ chối làm xét nghiệm HIV. Có trường hợp đồng ý làm xét nghiệm nhưng không quay lại lấy kết quả gây khó khăn cho việc theo dõi và điều trị. Nhiều bệnh nhân là người nghèo, điều kiện kinh tế eo hẹp, đi lại khó khăn nên khó tiếp cận phương pháp điều trị. Ngoài ra, một số người nhiễm HIV/AIDS làm việc, lao động ở xa nên chưa tuân thủ điều trị cũng như tái khám theo lịch hẹn, dẫn đến chậm phát hiện các tác dụng phụ, kháng thuốc.
Để công tác phòng-chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông, ngành Y tế cần tiếp tục phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương trong việc kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS; cung cấp xét nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị HIV qua bảo hiểm y tế. Nâng cao chất lượng các dịch vụ điều trị, bảo đảm tính sẵn có, tính dễ tiếp cận với thuốc kháng vi rút HIV. Truyền thông đại chúng về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV cũng như lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế trong điều trị HIV/AIDS nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm