Sức khỏe

Phòng ngừa tai nạn dị vật đường thở ở trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bác sĩ Nguyễn Văn Châu-Trưởng Liên chuyên khoa Mắt-Răng hàm mặt-Tai mũi họng (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai) cho biết: Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 trẻ bị dị vật lọt vào mũi, tai… Nhiều trường hợp do gia đình chậm phát hiện, điều trị không kịp thời đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Theo bác sĩ Châu, trẻ nhỏ hiếu động, nghịch ngợm, thích tìm tòi, khám phá nên rất dễ xảy ra các tai nạn thương tích. Trong đó, sự cố nhét dị vật vào tai, mũi thường gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi.

Nhiều trẻ nhét dị vật vào mũi, tai lâu ngày nhưng gia đình không phát hiện đưa đi khám kịp thời. Nhiều dị vật nguy hiểm có thể gây tổn thương rất nhanh, mạnh và để lại di chứng nặng nề.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu thực hiện nội soi lấy dị vật trong mũi cho bệnh nhi. Ảnh: N.N

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu thực hiện nội soi lấy dị vật trong mũi cho bệnh nhi. Ảnh: N.N

Giữa tháng 12-2023, Phòng khám tai mũi họng (Bệnh viện Nhi tỉnh) tiếp nhận bệnh nhi Kpă Siu Hoàng (40 tháng tuổi, làng Mơ Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) trong tình trạng đau mũi phải, chảy dịch mũi màu đen.

Chị Kpă Hiền-mẹ của cháu Hoàng-cho biết: “Thấy Hoàng đau mũi, chảy dịch màu đen, mình nghĩ bị viêm mũi nên cho đi khám. Bác sĩ cho biết trong mũi cháu có dị vật là viên pin cúc. Gia đình đưa cháu đi khám kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm”.

Theo bác sĩ Châu: Mặc dù được khám và nội soi mũi lấy dị vật ra nhưng khoang mũi phải của bệnh nhi đã bị pin cúc gây cháy đen, hoại tử toàn bộ niêm mạc mũi ở vị trí có dị vật. Sau khi lấy dị vật và xử lý vùng hoại tử, bệnh nhi tiếp tục nằm viện theo dõi và điều trị.

“Dị vật pin cúc ở mũi là tình trạng cấp cứu tối cấp trong chuyên ngành Tai mũi họng, vì có thể gây tổn thương mũi rất nhanh, mạnh và có thể để lại di chứng nặng nề.

Khác với các dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại ở mũi sẽ gây ra một loạt biến chứng như: loét, hoại tử dần dần niêm mạc, sụn vách ngăn mũi dẫn tới dày dính tổ chức làm hẹp, tịt hốc mũi gây khó thở, cũng có trường hợp hoại tử gây thủng vách ngăn mũi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của mũi.

Mức độ tổn thương mũi phụ thuộc vào kích thước cũng như độ mới của dị vật và thời gian gắp được dị vật. Đặc biệt, thời gian dị vật lưu lại khoảng từ 30 phút trở lên đã có thể gây ra tổn thương niêm mạc tại vị trí dị vật nằm”-bác sĩ Châu thông tin.

Hiếu động, nghịch ngợm nên nhiều trẻ nhỏ thường nhét, nuốt dị vật gây ra các tai nạn nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Châu cho biết thêm: “Mới đây, Bệnh viện Nhi tỉnh tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 32 tháng tuổi ở làng Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh. Bệnh nhi đến khám trong tình trạng mũi chảy dịch, có mùi hôi. Gia đình cho biết đã cho cháu đi khám ở phòng khám tư nhân và uống thuốc nhiều ngày qua nhưng không cải thiện.

Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện trong mũi trẻ có dị vật và tiến hành lấy một đoạn ni lông mà cháu bé đã nhét vào mũi”.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi tỉnh còn tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị đỉa, vắt chui vào mũi. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh-cho hay: Đa số trường hợp này rơi vào trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo bố mẹ đi rừng hay tắm sông, tắm suối; uống nước sông, nước suối… Triệu chứng ban đầu khi vắt sinh sống trong mũi người thường là nhột, ngứa, chảy nước mũi…

Nếu để lâu ngày, vắt hút máu gây ra đau đớn, khó thở, chảy máu và nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu mãn tính. Trường hợp để lâu mới phát hiện sẽ gây khó khăn khi điều trị.

Bác sĩ Châu khuyến cáo: “Gia đình, nhà trường lưu ý chăm sóc, giám sát trẻ; thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa, phòng học sạch sẽ, không để các vật dụng nhỏ trong tầm với của trẻ. Đặc biệt là không để trẻ cầm chơi, ngậm các thiết bị điện tử có sử dụng pin, nhất là loại pin cúc…

Khi phát hiện trẻ nhét dị vật vào mũi hay bị hóc dị vật thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, cấp cứu kịp thời, tránh các di chứng nặng nề đáng tiếc về sau”.

Có thể bạn quan tâm