Chính trị

Tin tức

Phong trào Không liên kết có vai trò và tiếng nói mạnh mẽ trên nhiều vấn đề quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Từ ngày 19 - 20/1, Hội nghị cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết ( KLK) diễn ra tại Uganda. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu sẽ tham dự Hội nghị.
Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Xuân Ánh. Ảnh: VGP

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Xuân Ánh. Ảnh: VGP

Trước đó tại Kampala, Uganda đã diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng trù bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 19 Phong trào KLK với chủ đề “Đưa hợp tác đi vào chiều sâu vì thịnh vượng chung toàn cầu”.

Tham dự có gần 80 đoàn đại diện các nước thành viên Phong trào KLK cùng nhiều nước, tổ chức khu vực, quốc tế là quan sát viên của KLK. Đoàn Việt Nam có Đại sứ,Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang tham dự.

Cuộc họp đã hoàn tất thương lượng dự thảo văn kiện cuối cùng để trình các lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao.Văn kiện nêu rõ và ghi nhận kết quả của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN gần đây về Biển Đông, nhất là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 7/2023, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Văn kiện cũng nhấn mạnh cam kết của các nước thành viên đối với chủ nghĩa đa phương và đề cao tuân thủ, thúc đẩy thực hiện luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; nhu cầu cấp thiết về cải tổ hệ thống đa phương trong bối cảnh quốc tế mới với sự nổi lên của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là cải tổ LHQ và hệ thống kinh tế quốc tế cũng như phương pháp làm việc của Phong trào KLK nhằm phát huy hơn nữa vai trò và tiếng nói trong các tiến trình toàn cầu vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Văn kiện bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi ở Palestine và đặc biệt là khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza.

Phong trào KLK là một tập hợp lực lượng đặc biệt ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Từ 25 thành viên ban đầu, KLK đến nay là một tập hợp lực lượng rộng rãi gồm 120 thành viên (53 nước châu Phi, 26 nước châu Mỹ Latinh, 37 nước châu Á, 1 nước châu Âu, 3 nước châu Đại dương) ở tất cả các châu lục, chiếm gần 2/3 tổng số thành viên LHQ, khoảng 51% dân số thế giới; có 15 nước và 11 tổ chức quốc tế là quan sát viên; có vai trò và tiếng nói trên nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ LHQ.

Các vấn đề quan tâm hiện nay của KLK là: Củng cố đoàn kết, bảo vệ các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hoà bình các tranh chấp; đề cao hợp tác đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; KLK phải là đại diện có tiếng nói mạnh mẽ trên những vấn đề quan trọng như ngăn ngừa chạy đua vũ trang, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt; kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết quốc tế về tài chính để triển khai Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; xây dựng các hệ thống thương mại, tài chính đa phương mở, minh bạch; tăng cường hợp tác Nam - Nam, Bắc - Nam; cải tổ LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an (HĐBA); kêu gọi dỡ bỏ cấm vận, trừng phạt đơn phương đối với các nước thành viên KLK.

Có thể bạn quan tâm