Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Phóng viên thời đại số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giữa thời đại kỹ thuật số, nhiều người cho rằng, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đe dọa công việc của con người trong một số ngành nghề. Báo chí không nằm ngoài danh sách đáng lo ngại này.

Tuy nhiên, với những phóng viên, nhà báo "thức thời", sự tiện lợi, tính chính xác và tốc độ cao của các loại công nghệ mới lại trở thành lợi thế trong công tác săn tin, viết bài của họ.

Công nghệ có thể trở thành một công cụ đắc lực cho phóng viên trong công việc đưa tin của mình. Ảnh: AFP

Công nghệ có thể trở thành một công cụ đắc lực cho phóng viên trong công việc đưa tin của mình. Ảnh: AFP

Vai trò của AI trong báo chí tương lai

Lĩnh vực báo chí đang thay đổi nhanh chóng trong thời đại kỹ thuật số. Máy tính để bàn vốn từng được coi là cực hiện đại và đắt đỏ nay đã được thay thế bằng các loại máy tính xách tay và máy tính bảng mạnh mẽ và gọn nhẹ, trong khi kết nối Internet lại tạo ra vô số nguồn nội dung mới được liên kết trên khắp thế giới.

Các trang báo lớn như Associated Press và Los Angeles Times đã bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo nội dung tự động, gắn thẻ văn bản kỹ thuật số và định dạng lại các bài báo từ vài năm nay. Trong một thế giới đang phát triển ngày một nhanh, công nghệ đang thể hiện sự hữu dụng đối với các nhà báo, phóng viên thức thời.

Nhiều người cho rằng, các công nghệ mới, điển hình là chatbot AI ChatGPT, sẽ gây ảnh hưởng tới công việc của con người trong nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, điều đó dường như không đúng với các phóng viên. Những hãng tin, tờ báo lớn vẫn tiếp tục dựa vào nhà báo để đưa tin, từ tin tức nóng hổi đến các sự kiện địa phương hay các cuộc họp quan trọng của chính phủ các nước. Công nghệ có thể đang định hình tương lai của ngành báo chí, nhưng nó sẽ không thay thế được các phóng viên có trình độ và kinh nghiệm.

Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo vào quy trình đưa tin có thể giúp các nhà xuất bản và tòa soạn trong tương lai hoạt động hiệu quả hơn. Các nền tảng AI có thể được sử dụng để giúp kiểm tra tính thực tế của thông tin trong thời gian thực, đồng thời tạo tin tức tự động. Báo chí cũng được hưởng lợi từ công nghệ AI vì nó chủ yếu liên quan đến việc thu thập và phân tích các bộ dữ liệu, nhằm xác định xem một câu chuyện có tồn tại thực sự hay không. Tuy vẫn còn một số lỗ hổng trong việc lạm dụng AI hay liên quan tới sự nhầm lẫn trong tổng hợp thông tin, nhưng nếu được ứng dụng đúng cách, công nghệ này chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành báo chí.

Mặc dù AI có thể hỗ trợ tạo nội dung mới, nhưng nó không thể thay thế việc đưa tin của con người. Ví dụ, hệ thống Lynx Insight của Reuters không được tạo ra để thay thế các phóng viên. Thay vào đó, nó được thiết kế để sắp xếp dữ liệu nhằm phát hiện các mẫu tin và hỗ trợ phóng viên trong việc phân tích chúng.

Cùng với đó, kỹ năng phát triển mối quan hệ với các nguồn tin, phân tích dữ liệu chuyên sâu và xác định một chủ đề nhất định có đáng đưa tin hay không là những điều mà AI, ít nhất là cho tới hiện tại, là không thể làm được. Rõ ràng, chẳng ai muốn kể câu chuyện của mình cho một cỗ máy nghe cả.

Podcast, mạng xã hội và báo chí thương hiệu

Các nền tảng kể chuyện trên phương tiện truyền thông mới như podcast và mạng xã hội cũng ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Những kênh này, giống như AI, có thể sẽ trở nên quan trọng hơn trong tương lai của ngành báo chí.

Theo Edison Research và Triton Digital, podcast đã phát triển đến mức có tới 51% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên từng nghe podcast. Quỹ đạo tăng trưởng của việc tiêu thụ podcast cũng rất khác biệt. Theo một báo cáo của National Public Radio (NPR) (Mỹ), khoảng một nửa cơ sở khán giả tiềm năng cho podcast vẫn không biết loại phương tiện này tồn tại. Khi các phương tiện truyền thông tăng cường nỗ lực tiếp thị nội dung âm thanh, nhu cầu về các nhà báo có thể sản xuất nội dung sẽ tiếp tục gia tăng.

Các nền tảng mạng xã hội cũng đang định hình các xu hướng mới trong ngành báo chí, khi ngày càng có nhiều kênh tin tức sử dụng Facebook, Twitter và gần đây nhất là TikTok để chia sẻ các câu chuyện trong thời gian thực. Các phóng viên đã thích nghi với ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc thu thập và đưa tin sẽ có lợi thế về giao tiếp với khán giả của mình hơn.

Tương lai của lĩnh vực này cũng đang được định hình bởi báo chí thương hiệu, là sự kết hợp giữa truyền thông doanh nghiệp, quan hệ công chúng và tiếp thị nội dung. Các nhà báo thương hiệu tập trung vào nội dung liên quan tới sản phẩm như bài đăng trên blog, bài báo trực tuyến, câu chuyện trên mạng xã hội và email, đưa thông tin làm nổi bật giá trị của một số công ty. Những loại câu chuyện này khuyến khích người đọc tìm hiểu thêm về các sản phẩm hoặc dịch vụ của tổ chức, công ty được nhắc tới.

Blockchain, phương tiện chống tin giả

Được biết đến nhiều nhất với việc cho phép trao đổi tiền điện tử như bitcoin, các hệ thống dựa trên Blockchain cũng có thể mang lại một số lợi ích trong tương lai của ngành báo chí. Cụ thể, công nghệ này có thể giúp các tòa soạn xây dựng niềm tin của công chúng đồng thời tăng tính bền vững về tài chính, theo Tạp chí Báo chí Columbia (CJR).

Các cá nhân và tổ chức có thể sử dụng Blockchain để lưu trữ và theo dõi hồ sơ giao dịch trực tuyến và truyền thông kỹ thuật số. Thông tin trong hệ thống Blockchain có thể dễ dàng được xác thực và truy ngược lại nguồn của nó, giúp người đọc xác minh một câu chuyện nhất định đã được xuất bản.

Với ứng dụng này, công nghệ vốn nổi tiếng nhờ các loại tiền mã hoá cung cấp khả năng ngăn chặn sự lan truyền của tin giả. Nội dung do Blockchain cung cấp cũng có thể tạo ra những cách mới để tính phí cho nội dung bằng cách sử dụng các giao dịch vi mô, theo CJR.

Có thể bạn quan tâm