Kinh tế

Phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện đã huy động nhiều nguồn lực giúp hàng ngàn chị em có điều kiện phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo.  

Nhiều mô hình hay

Gần 10 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Glung B, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) thuộc diện hộ nghèo. Nhà có 5 người nhưng thu nhập chính chỉ trông vào 1 sào lúa nên cứ thiếu trước hụt sau. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Oanh, Câu lạc bộ Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của xã Ia Ake đã cho chị mượn 10 triệu đồng không tính lãi để mua 1 con bò cái về nuôi. Đồng thời, chị còn được Hội LHPN xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và hướng dẫn cách chi tiêu tiết kiệm. Đến nay, đàn bò của chị phát triển lên được 6 con. Chị đã bán 4 con bò để trang trải cuộc sống gia đình và mua thêm 1 sào ruộng lúa. Hiện gia đình chị Oanh đã thoát nghèo.

 

Nhờ được hỗ trợ vốn nuôi gà, gia đình chị Cung Thị Mần (dân tộc Nùng, ở thôn Tăng B, xã Ia Ake) đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ảnh: Đ.P
Nhờ được hỗ trợ vốn nuôi gà, gia đình chị Cung Thị Mần (dân tộc Nùng, ở thôn Tăng B, xã Ia Ake) đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ảnh: Đ.P

Cùng cảnh nghèo, chị Cung Thị Mần (dân tộc Nùng, Plei Tăng B, xã Ia Ake) cũng được các chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ giúp nhau chăn nuôi gà của xã cho mượn 2 triệu đồng làm vốn để nuôi 100 con gà siêu trứng giống Ai Cập. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên gia đình chị chăm sóc đàn gà siêu trứng sinh sản tốt. “Mỗi con gà đẻ khoảng 250-270 trứng/năm.  Sau 5 năm nuôi gà, tôi đã trả được vốn vay và phát triển thêm đàn gà thịt 300 con, mỗi năm nuôi 5 lứa. Cuộc sống gia đình giờ đã ổn định hơn”-chị Mần vui vẻ nói.

Hội LHPN xã Ia Ake có 1.225 hội viên tham gia sinh hoạt ở 11 chi hội thôn, làng. Hiện xã có 2 mô hình gồm Câu lạc bộ Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và Câu lạc bộ Phụ nữ nuôi gà do chị em tự góp tiền với nhau để cho những chị cần vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi và những chị có khó khăn trong cuộc sống mượn làm vốn xoay vòng không tính lãi. Mỗi câu lạc bộ có hơn 20 chị tham gia, tự nguyện góp quỹ được 60-70 triệu đồng. “Các câu lạc bộ này chính là sợi dây gắn kết chị em trong thôn, làng lại với nhau. Các chị em cùng tham gia sinh hoạt, hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi và xây dựng mái ấm gia đình”-chị Ksor H’U-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ake, cho hay.

Xây dựng tổ chức hội vững mạnh

Phát huy vai trò nòng cốt tập hợp chị em phụ nữ vào tổ chức Hội, giúp chị em vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN huyện Phú Thiện đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, thông qua 125 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho 5.089 hộ phụ nữ vay với tổng số tiền trên 135,4 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 140 triệu đồng, chiếm 0,06% dư nợ nhận ủy thác; 48 tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 682 hộ phụ nữ vay hơn 32 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh hỗ trợ chị em trong huyện vốn để phát triển sản xuất với tổng dư nợ 405 triệu đồng... Ngoài ra, có 170 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm quay vòng vốn do Hội LHPN huyện chỉ đạo thu hút 6.435 chị tham gia với tổng số quỹ là 2,1 tỷ đồng; tổ tiết kiệm do 143 chi hội phụ nữ thành lập tự nguyện góp 5.000 đồng/người/tháng có 8.513 chị tham gia với tổng số tiền hơn 127 triệu đồng…

Cùng với đó, Hội LHPN huyện phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật phát triển sản xuất, chi tiêu tiết kiệm nhằm giúp chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm và tự tin hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Mới đây, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cấp hỗ trợ 12.800 con cá giống và 364 kg cám nuôi cá nước ngọt cho 22 hộ dân tộc thiểu số tại xã Ia Yeng nuôi với tổng diện tích ao, hồ 6.400 m2.  Hội LHPN huyện cũng hỗ trợ Hội LHPN thị trấn Phú Thiện xây dựng tổ liên kết phụ nữ trồng rau an toàn với kinh phí 50 triệu đồng. “Câu lạc bộ Trồng rau sạch có 10 chị tham gia. Mỗi chị được mượn 5 triệu đồng và tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, sau 1 năm thì trả lại để xoay vòng cho chị em khác mượn. Đây là tiền đề giúp nhiều chị em có cơ sở để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống”-chị Trần Thị Mỹ-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Thiện, cho hay.

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn quan tâm xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ mới như: 1 mô hình điểm “Sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch, chế biến sạch”; 10 tổ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng/năm”; 1 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số sống tốt đời-đẹp đạo” ở xã Ia Peng; 1 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với 12 thành viên tham gia tại Hội LHPN xã Ia Ake; 1 tổ liên kết “Trồng rau sạch” tại thị trấn Phú Thiện có 10 thành viên; 1 câu lạc bộ “Gia đình hội viên phụ nữ nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại xã Ia Yeng có 40 hội viên, phụ nữ tham gia...

Bà Võ Hoàng Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện, cho biết: “Nhờ các cấp Hội huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, xây dựng đa dạng các loại hình câu lạc bộ, mô hình phát triển kinh tế nên đã tập hợp chị em phụ nữ vào cùng chia sẻ kinh nghiệm, thi đua sản xuất, chăn nuôi. Qua đó, hàng trăm chị em đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả và tham gia sinh hoạt Hội đều đặn hơn. Năm 2017, Hội LHPN huyện đã phát triển mới 774 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện nay 11.976 chị; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt được nâng lên đáng kể”.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm