(GLO)- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rong (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho người nghèo như: phát cháo đến tận tay người già neo đơn, trẻ tàn tật; hỗ trợ thuốc cho người bệnh; tặng áo quần, sách vở cho trẻ em nghèo...
Nồi cháo cuối tuần
Đã thành thói quen, vào sáng thứ sáu hàng tuần, bà Rơ Mah H’Nghe (làng Tao Klăh) thường đi chăn bò muộn hơn vì đợi nhận cháo từ thiện từ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng. 90 tuổi, bà H’Nghe sống một mình trong căn nhà tôn lụp xụp. Nhiều năm nay, bà sống nương nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng cùng số tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người cao tuổi.
Sau khi nhận phần cháo còn nóng hổi, bà san một nửa ra tô để ăn sáng; phần còn lại, bà cho vào chiếc cà mèn cũ để dành cho bữa trưa. Bà H’Nghe bộc bạch: “Mình rất mong đến sáng thứ sáu. Hôm thì cháo, có hôm là món bún hoặc nui. Món nào cũng ngon”.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rong (huyện Chư Pưh) tới nhà phát cháo cho bà Rơ Mah H’Nghe. Ảnh: Hồng Thương |
Gia đình chị Siu H’Phin (làng Tao Ô) cũng luôn ấm lòng mỗi khi nhận suất cháo nghĩa tình ngay tại nhà vào sáng thứ sáu hàng tuần. Suất cháo ấy dành cho cậu con trai thứ 2-Siu Khưn, bị bệnh bại não. Chị H’Phin chia sẻ: “Cháo của các chị nấu vừa có rau củ, vừa có thịt nên rất ngon”.
Theo thống kê, toàn xã có hơn 40 người thuộc diện hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có bố mẹ đi làm xa đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát cháo miễn phí vào sáng thứ sáu hàng tuần. Để có kinh phí duy trì nồi cháo tình thương, các hội viên, phụ nữ thống nhất triển khai mô hình “Ve chai tình thương”. Cụ thể, các chị thu gom ve chai, phế liệu sau đó đưa về tập trung tại nhà của các Chi hội trưởng và sẽ được bán lấy tiền bỏ vào quỹ dùng nấu cháo hàng tuần; mỗi tuần, trích quỹ khoảng 250-300 ngàn đồng.
Chị Huỳnh Thị Thu Hà-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Khô Roa-cho biết: “Khoảng 5 giờ sáng, một số chị em đã tập trung ở nhà tôi để cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu. Đến khoảng 7 giờ, chúng tôi bắt đầu phát cháo. Đối với những người già, người bị tâm thần và trẻ tàn tật, chúng tôi cử người mang cháo đến tận nhà”.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Trên địa bàn xã Ia Rong có tới 13 người bị bệnh tâm thần, em Rah Lan H’Xéo (19 tuổi, làng Khô Roa) là một người trong số đó. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Khô Roa cho hay: “Mẹ của H’Xéo là chị Rah Lan H’Lem cũng mắc bệnh tâm thần. Thỉnh thoảng, tôi ghé nhà giúp H’Xéo một số việc. 5 năm qua, mỗi tháng, Chi hội đều trích từ mô hình “Hũ gạo tình thương” để hỗ trợ gia đình 30 kg gạo. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ gia đình 1 con bò làm sinh kế. Nhờ sự quan tâm của cộng đồng, hiện nay, chị H’Lem đã khỏi bệnh và lập gia đình với một người cùng làng. Bệnh tình của H’Xéo cũng được cải thiện đáng kể”.
Sáng thứ 6 hàng tuần, bà Hà đều mang cháo tới cho Kpă H'leo (làng Khô Roa). Ảnh: Hồng Thương |
Tương tự, cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời nên chị Kpă H’Leo (làng Khô Roa) đã có phần hồi phục sau nhiều năm mắc bệnh tâm thần. Trước đó, sức khỏe của chị H’Leo hoàn toàn bình thường nhưng đến khi sinh đứa con thứ 3 thì bắt đầu phát bệnh. Không chịu được cảnh vợ suốt ngày đi lang thang, rồi đập phá đồ đạc, chồng chị bỏ đi lấy vợ khác. Ba đứa con phải sống nhờ vào sự đùm bọc của người thân và cộng đồng.
Trao đổi với P.V, bà Huỳnh Thị Thanh Nguyệt-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rong-cho biết: Ngoài duy trì đều đặn nồi cháo vào sáng thứ sáu hàng tuần, Hội còn kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, tặng quà; hỗ trợ quần áo, sách vở cũ cho học sinh nghèo; hỗ trợ thuốc điều trị bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, các chi hội xây dựng “Hũ gạo tình thương” và trích ra để hỗ trợ kịp thời cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; duy trì có hiệu quả mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” với “3 biết”: hoàn cảnh, nhu cầu, biết mặt; “2 hỗ trợ”: kiến thức và sinh kế. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã giúp đỡ về cây-con giống, kỹ thuật cho 4 hội viên vươn lên thoát nghèo.
ANH HUY-NHẬT HÀO