(GLO)- Sự đùm bọc, san sẻ trên tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá rách ít giúp lá rách nhiều” của phụ nữ xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã tô đậm tinh thần nhân ái, đoàn kết của dân tộc.
“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”
Cơn mưa giông cuối mùa kéo theo những đám mây đen kịt làm cho bầu trời tối sẫm giữa buổi chiều. Những tấm tôn mới ở khu chăn nuôi gia súc của gia đình bà Rơ Châm Răn (làng Lút, xã Ia Phí) càng hắt sáng dưới màu trời xám chì. Trong chuồng, chú heo con đang ăn rau dại do bà Răn hái quanh nhà. Bà Răn cho hay, vì nghèo khó nên đã lâu lắm rồi, bà mới có một con vật để nuôi. Cả heo và tôn lợp chuồng đều do Chi hội Phụ nữ làng Lút hỗ trợ.
Theo lời kể của chị Rơ Châm Ger-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Lút: Chồng bà Răn mất khi 3 đứa con còn nhỏ dại. Đến khi lo cho 3 đứa con ra ở riêng cũng là lúc bà Răn ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống phụ thuộc vào gần 200 cây cà phê trồng quanh nhà, nhưng bệnh tật cùng 3 lần mổ sỏi thận khiến bà không còn sức khỏe lao động nặng. “Trong cuộc họp Chi hội, mọi người đều đồng tình quyên góp ủng hộ để mua cho bà Răn 1 con heo, mua tôn lợp lại chuồng trại. Chi hội làng Lút cũng tổ chức ra mắt mô hình “3 trong 1”, cử 3 hộ khá trong làng thường xuyên giúp đỡ bà Răn, quyết tâm trong 3 năm tới phải giúp bà thoát nghèo, trả hết số nợ đã vay ngân hàng để chữa trị bệnh trong những năm vừa qua”-chị Ger cho hay.
Bà Rơ Châm Răn (bìa trái) được chị em trong Chi hội Phụ nữ làng Lút (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) đồng hành, hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Châu |
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Lút cho biết thêm: Chị cùng 2 hộ khác được phân công giúp bà Răn. Gia đình các chị cũng chưa phải là khá giả gì, nhưng tính ra thì đỡ khổ hơn bà Răn. “Giúp ở đây không chỉ về mặt vật chất, mà mình đến giúp bà làm cỏ, tỉa chồi cà phê, hướng dẫn chăn nuôi, nhất là kịp thời thăm hỏi, động viên những lúc ốm đau để vực dậy tinh thần, giúp bà Răn cảm nhận được sự đoàn kết, chia sẻ của cộng đồng”-chị Ger tâm sự.
Ở tuổi xế chiều, bà Răn không còn đơn độc trong căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn cà phê. Bà xúc động nói: “Nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chị em phụ nữ, mình vui lắm, quên cả bệnh tật. Mình mong có sức khỏe, chăm chỉ lao động để thoát nghèo và có thể tham gia đóng góp cùng với các hội viên”.
Gắn kết cộng đồng
Chị Rơ Châm Hyeoh-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Phí-cho biết: Mô hình “3 trong 1” được Hội LHPN xã duy trì từ năm 2011 đến nay. Chi hội Phụ nữ làng Óp là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình này, sau đó nhân rộng ra các thôn, làng khác. Nhiều chị em sau khi tham gia mô hình đã thoát nghèo, quay trở lại giúp đỡ người khó khăn hơn. Chị Rơ Châm Byỉu (làng Yăng 3) tham gia mô hình “3 trong 1” vào năm 2017. Khi tham gia mô hình, chị được Chi hội hỗ trợ 1 triệu đồng mua 2 con heo giống. Chị còn được các chị em thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, thu hái cà phê để đạt chất lượng và năng suất. Đến năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo, còn chị trở thành thành viên tích cực của Chi hội.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Phí, kinh phí để thành lập và duy trì các mô hình rất hạn chế. Nhưng cái hay là ngoài giúp nhau về vốn, các chị đã phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau mọi mặt. “Người Jrai rất coi trọng tinh thần gắn kết cộng đồng nên khi triển khai mô hình này, chị em đồng thuận rất cao. Chính vì vậy mà mô hình còn góp phần thu hút, tập hợp phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tổ chức Hội và chung tay vào các hoạt động của cộng đồng. Năm 2019, làng Yăng 3 có 1 hộ bị cháy nhà. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Yăng 3 đã vận động, kêu gọi hội viên phụ nữ đóng góp được 5 triệu đồng và gần 6 tạ gạo để kịp thời hỗ trợ gia đình bị nạn”-chị Hyeoh cho biết.
Huyện Chư Păh hiện đang duy trì 28 mô hình “3 trong 1”, con số này ở cấp tỉnh là 115 với hàng ngàn hội viên phụ nữ tham gia. Bà Rơ Chăm HHồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-thông tin: “Ngoài ý nghĩa giúp nhau phát triển kinh tế, mô hình “3 trong 1” còn thể hiện tinh thần đoàn kết, nhân văn của phụ nữ. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các chi hội phụ nữ đã duy trì mô hình trong điều kiện “cái khó ló cái khôn”. Mặc dù nguồn lực vật chất không lớn nhưng hội viên phụ nữ đã phát huy sự đoàn kết để tạo nên hiệu quả của phong trào”.
MINH CHÂU