Cách đây 10 năm, Hội LHPN xã Ia Rsai lần đầu tiên phát động phong trào tiết kiệm thông qua 2 mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Heo đất tiết kiệm”. Trong năm đầu tiên phát động (2014), chỉ có chi hội phụ nữ người Kinh hưởng ứng.
Theo chị Nguyễn Thị Ngoan-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsai: Việc triển khai một phong trào mới lúc nào cũng đi liền với khó khăn. Chị em phụ nữ người Jrai không mặn mà với phong trào vì cho rằng “nhiều người còn thiếu đói mà làm sao tiết kiệm được”. Trước tình hình đó, khi tham gia sinh hoạt ở các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số, chúng tôi kể câu chuyện mỗi bữa nấu ăn, Bác Hồ đều tiết kiệm 1 nắm gạo. Gạo này góp lại phát cho người đói.
“Không ngờ câu chuyện lại tác động mạnh tới chị em người Jrai. Nếu năm đầu tiên “Hũ gạo tiết kiệm” của phụ nữ các chi hội trong xã thu được hơn 7 tạ thì đến năm thứ hai tăng lên 8 tạ. Cứ như thế, phong trào lan rộng ra tất cả các chi hội phụ nữ”-chị Ngoan chia sẻ.
Cũng theo chị Ngoan, Hội LHPN nữ xã khuyến khích các chi hội tiết kiệm theo 2 mô hình, ai có gạo thì bỏ vào hũ, còn ai có tiền thì nuôi heo đất. Qua 10 năm triển khai song song 2 mô hình này, các chi hội thu được hàng tấn gạo và tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Nguồn quỹ tiết kiệm đã giúp đỡ cho nhiều chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2022 trở lại đây, số tiền tiết kiệm không trao trực tiếp mà mua dê trao sinh kế cho hội viên nghèo. Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rsai cho biết thêm: “Từ năm 2022 đến nay, Hội đã trao 10 con dê sinh sản cho 5 hộ hội viên, hiện đã phát triển lên 17 con”.
Dịp 20-10 vừa qua, từ số tiền tiết kiệm nuôi heo đất của các chi hội, Hội LHPN xã Ia Rsai trao 2 cặp dê giống cho 1 hội viên thuộc diện cận nghèo ở buôn Pan và 1 chị có con bị khuyết tật ở buôn Chư Tê. Sau 1 tháng nhận nuôi, 2 cặp dê mẹ đã đẻ thêm được 4 con dê con. Là 1 trong 2 trường hợp được nhận phương tiện sinh kế, chị Rah Lan H’Truyng (buôn Pan) xúc động nói: “Được nhận cặp dê giống, mình vui lắm. Không ngờ dê sinh sản nhanh như vậy. Mình đặt quyết tâm sớm thoát nghèo để trao lại cặp dê giống cho hội viên khó khăn khác trong buôn”.
Mô hình tiết kiệm của phụ nữ xã cũng đồng hành với nhiều số phận không may mắn. Suốt 9 năm chạy thận thì cũng chừng đó thời gian chị Mai Thị Phương (thôn Quỳnh Phụ) thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của chị em phụ nữ.
Chị Phương bày tỏ: “Tôi bị suy thận mãn, phải chạy thận 2 lần/tuần. Nhận được sự giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần của chị em phụ nữ, tôi thấy được san sẻ, an ủi, cố gắng vượt qua bệnh tật”. Trong 5 năm qua, toàn xã có 255 trường hợp phụ nữ nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn và người gặp khó khăn, hoạn nạn, bệnh hiểm nghèo được giúp đỡ từ quỹ tiết kiệm của phụ nữ với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Mô hình tiết kiệm do Hội LHPN xã Ia Rsai triển khai đã đi qua 1 thập kỷ và vẫn tiếp tục lan tỏa vì phù hợp với đặc thù một xã mà người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ hội viên phụ nữ người Jrai chiếm 85%. Mô hình không chỉ nhận được sự quan tâm hưởng ứng của chị em phụ nữ mà còn tạo sự lan tỏa, cộng hưởng tích cực tới cộng đồng. Hiện các tổ nữ công ở 3 đơn vị trường học, Ban Chỉ huy Quân sự xã cũng tham gia mô hình “Heo đất tiết kiệm” để cùng với Hội LHPN xã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Đã thành thông lệ, dịp 8-3 hay 20-10 hàng năm là thời điểm đập heo đất, khui hũ gạo ở tất cả các chi hội phụ nữ và các đơn vị hưởng ứng. Chị Ngoan phấn khởi cho biết: “Xã có 1 chi hội người Kinh và 6 chi hội người dân tộc thiểu số. Năm 2024, các chi hội thực hiện hũ gạo tình thương khá tốt, quyên góp được 100-150 kg gạo trong mỗi dịp sinh hoạt. Ở mỗi chi hội, chị em bớt lại 20-30 kg gạo tiết kiệm được để làm rượu ghè, tổ chức liên hoan, giao lưu nhân ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên chị em phụ nữ người Jrai có hình thức sinh hoạt này nên rất vui, tạo thêm sự đoàn kết, gắn bó với nhau”.