TN - Đất & Người

Phụ nữ Tây Nguyên qua thơ ca kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cùng với cả nước, bà con các dân tộc Tây Nguyên đã cùng nhau kháng Pháp, đuổi Nhật, đánh Mỹ suốt 30 năm kháng chiến gian khổ.

Lúc bấy giờ, đa phần đàn ông, trai tráng đều xung vào các đơn vị chiến đấu chủ lực, còn phụ nữ là thành phần chủ chốt tham gia công tác ở tuyến sau. Do vậy, hình ảnh những con người bình dị, đáng yêu này đã được thể hiện rất trung thực trong dòng thơ ca kháng chiến ở Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Lòng căm thù giặc xâm lược đã khiến chị em vốn là những người dịu hiền, lành tính cũng trở thành những nữ dân quân “đáng yêu” và đáng phục: “Nay con gái Xê Đăng vào “lực lượng”/Trung đội gái dóng hàng thẳng tắp/Dăm chàng trai ngượng mặt quay lui/Trung đội gái đâm lê bắn súng/Những già làng thôi cái miệng chê bai/Tiếng súng nổ giòn tan trên bãi tập/Đi ra rẫy, trung đội dàn thế đứng/Như hôm nào trong thế trận xung phong…” (Người con gái Xê Đăng-Hồng Chinh Hiền).

 

Tranh minh họa. K.N.B
Tranh minh họa. K.N.B

Từ đội ngũ ấy, người đọc bắt gặp vô vàn những gương sáng cá nhân với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Này là cô du kích trẻ trung, hồn nhiên mang cả tiếng cười đầy tự tin vào trận đánh: “Có người nghĩ ra món quà mừng cô dâu Xê Đăng/Tặng khẩu súng-Y Ben cười tươi rói/Vào trận Đak Tô cô mang luôn tiếng cười/Bạn ngấm nguýt hất tay, giật tóc/Tiếng cười hãm trong lòng tấm tức/Trước trận tấn công im ắng như tờ/Phát súng đầu, tỉnh thức giấc mơ/Y Ben bắn, một thằng Mỹ rụng/Y Ben cười vang một cánh tấn công” (Y Ben cười-Hồng Chinh Hiền).

Này là người vợ quả cảm giúp chồng diệt giặc: “Tay quen tuốt lạt, suốt lúa nương/Bẫy đá, hất cây, dọn rẫy rừng/ Bàn tay Y Úi đen màu khói/Thâm thẩm màu xanh nước nhuộm chàm/ Rêu rừng bám kẽ xanh ngăn ngắt/Xòe ra thành thép, nắm thành gang/ Biệt kích vào thôn, chồng nháy vợ/ Y Úi quăng dao, Y Úi ôm/Bị khóa hai tay, thằng giặc giãy/Vợ giữ cho chồng chém chết luôn.../Bàn tay Y Úi-tay lao động/Nên lúa, nên khoai, nên cuộc đời/Chẳng đói được đâu, bàn tay đó/Hạnh phúc nào bằng, Y Úi ơi!” (Bàn tay Y Úi-Hồng Chinh Hiền).

Này là hình ảnh sáng đẹp của những cô y tá, hộ lý nơi trạm phẫu tiền phương quên mình vì thương-bệnh binh: “Ôi, em hộ lý Y Toan/Chân cứng đá mềm bền chí/Nhớ khi em kiếm thuốc nắng đỏ mặt ngời/Nhớ buổi lên rừng hái măng kiếm nấm/Dưới suối La Lua những ngày rét cóng/Em mò cua bắt ốc miệt mài/Nuôi các anh thương tật về đây/ Em ngồi cho anh tựa lưng mà ngủ/Vết thương anh lầy nhầy máu mủ/Trùng bọ hôi tanh, em chẳng chút ngại ngùng/Em Y Toan-Em là nỗi vui chung/Em thương anh đi hai nạng chống/Canh những đêm dài cho anh ngủ trọn/ Nhận phần ăn sắn nướng, ngô rang/Em là tình thương tỏa rợp Long Năng…” (Con suối La Lua-Hồng Chinh Hiền).

Này là hình ảnh những cô giao liên được khắc họa một cách chân thực và cảm động: “Ai đi Nước Pék, Nước Pleng/Ai xuống Nước Lũ, ai lên Nước Chè/Ai xuôi Giá Vụt về quê/Đừng quên cô gái Hơ-rê dẫn đường/Tên em là Dy Hơ Thưng/Đang chờ ta đó, núi rừng mênh mông/ Em cười, đôi mắt long lanh/Ba lô tôi nặng, em giành đeo vai/Đùm cơm sắn, chiếc gậy mây/Đầu trần chân đất, suốt ngày em đi…/Mắt Dy Hơ Thưng luôn nhìn phía trước/Bước nhanh, nhanh bước/Rút ngắn núi rừng/Đá gai cào rát bàn chân/Vắt sên đeo cắn, máu từng giọt rơi/Nắng đi lại đổ mưa trời/ Nắng mưa là bạn của người giao liên” (Cô gái Trường Sơn-Hồ Ngọc Sơn).

Này là cô gái quên mình trong làn súng địch, dũng cảm chèo xuồng độc mộc đưa cán bộ, bộ đội qua sông: “Du kích Y Lăng chèo độc mộc/Đáy nước gương soi dáng vóc người/Lướt sóng đưa tôi nhanh vượt bến/ Thoát làn súng địch một chiều vơi...” (Trông chiều nhớ sông-Nguyễn Tập).

Này là sự đảm đang, chịu thương chịu khó gần như vô tận-một đức tính chung của phụ nữ: “Địu con thơ trước ngực/Cõng gùi gạo sau lưng/Khẩu pháo nặng ngàn cân/ Đi trên đôi vai nhỏ!” (Vào mùa-Vũ Hùng). Và cũng như vậy, còn có: “Em còn con bế con bồng/Vẫn đi cùng chồng cõng gạo nuôi quân/ Gạo thì em cõng trên lưng/Con thơ địu vắt giữa chừng ngực mang/Ru hời, con ngủ cho ngoan/Lên đường với mẹ leo ngàn vượt sông/Con ngoan cho mẹ ấm lòng/Góp vào việc nước việc làng ngày công…” (Thiếu phụ trên buôn-Nguyễn Tập).

Những người phụ nữ bình dị ấy đâu chỉ anh hùng trong hành động, mà trong thẳm sâu của tư duy, ý thức, các mẹ, các chị, các em cũng biểu lộ cái tố chất anh hùng ngời sáng. Ý nghĩ của cô gái giao liên này là một ví dụ: “Ới, Y Thanh, Y Thanh/Đôi chân nhỏ sao nhanh/Vai nặng gùi bắp hạt/Gùi bắp về Tu Thó/Mình đi còn nhanh hơn/Kịp về cho con bú/Bắp của cách mạng đó/Cái vai mình gùi đi/ Không ai thay mình được/Bụng mình vì đất nước/Thay, có còn ra gì!” (Ới, Y Thanh!...-Hồng Chinh Hiền).

“Bụng mình vì đất nước/Thay, còn có ra gì!”-Một câu nói rất đơn giản mà vô cùng ý nhị, sâu sắc như một triết lý! Vâng, lòng yêu nước của mình mà để nhờ người khác thay thế thì… còn nghĩa lý gì!

Tinh thần dũng cảm, hy sinh của chị em phụ nữ không chỉ là nhận lấy phần khó khổ về mình, mà còn biểu hiện ở những việc làm nhỏ nhặt thường ngày đầy nữ tính vốn là bản năng, thiên chức của người phụ nữ: “Sáng chăm chút rẫy khoai, chiều miệt mài nương bắp/Đi làm về, tiếng hát ấm khu rừng/Được phân tán trở về buôn công tác/Mẹ ưng sao đứa con gái cưu mang/Cái mái tóc đen đen mướt mượt/Cái miệng cười trăng trắng hàm răng/Nhà lại sạch từ cái kê cái đựng/Bếp không còn bừa bộn ngổn ngang/Sạp mẹ ngủ, võng cha nằm phải lối/ Không đụng đầu, không cản bước đi sang/Nhiều trai làng thích đến gần bắt chuyện…”! (Cô gái Xê Đăng-Hồng Chinh Hiền).

Với những sơn nữ độc đáo, tuyệt vời như thế, có lẽ không ai ngạc nhiên khi nghe họ ra một cái giá “thách cưới” nhắn gửi các chàng trai “muốn làm quen” thì cũng phải tương xứng anh hùng: “Nhiều trai làng thích đến gần bắt chuyện/Muốn lấy em-Người đó phải đầu quân/Đồn Đak Tô bao giờ nhổ được/Chẳng khó gì một đám cưới Xê Đăng!” (Người con gái Xê Đăng-Hồng Chinh Hiền).

Những phụ nữ “người thật việc thật” này vẫn đang lẩn khuất đâu đó giữa đại ngàn Tây Nguyên, dù hôm nay họ đều đã già nua và chắc có người đã mất!

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm