Phú Thiện chú trọng vệ sinh đồng ruộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhận thức rõ nguy cơ ô nhiễm đồng ruộng từ nguồn rác thải nông nghiệp, chính quyền và ngành chức năng huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Nhờ đó, vấn đề vệ sinh đồng ruộng và môi trường sống khu vực nông thôn dần được cải thiện.
Hiệu quả bước đầu
Huyện Phú Thiện có hơn 40.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 6.000 ha lúa nước. Trong quá trình canh tác, để giúp cây trồng sinh trưởng tốt, tránh sâu bệnh gây hại, người dân thường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Điều này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm đồng ruộng, nhất là khi việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV vẫn chưa được người dân chú trọng.
Trước thực trạng này, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân huyện Phú Thiện cùng chung tay triển khai các hoạt động làm sạch ruộng đồng. Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho hay: “Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, từ năm 2019 đến nay, chúng tôi phối hợp với 10 xã, thị trấn tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường đồng ruộng. Nhờ đó, ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực hơn”.
Bể chứa rác thải nông nghiệp ở xã Ia Ake góp phần làm sạch đồng ruộng. Ảnh: Hoành Sơn
Bể chứa rác thải nông nghiệp ở xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) góp phần làm sạch đồng ruộng. Ảnh: Hoành Sơn
Bên cạnh đó, việc đặt các bể chứa rác thải tại cánh đồng cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, toàn huyện đã đặt 148 bể chứa bao bì thuốc BVTV, rác thải nông nghiệp tại các cánh đồng. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) cho hay: “Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã đặt 45 bể chứa rác/206 ha đất được giao quản lý. Mỗi bể chứa rác có giá 20-30 triệu đồng do các thành viên đóng góp. Từ khi có bể chứa, bà con nông dân không còn xả thải bừa bãi trên ruộng đồng”. 
Còn ông Nguyễn Ngọc Sáu-Chủ tịch UBND xã Ia Hiao thì cho hay: “Toàn xã hiện có 15 bể chứa rác thải nông nghiệp được đặt tại cánh đồng lúa lớn 1 giống. Từ khi có bể chứa rác, ý thức bảo vệ môi trường của người dân tốt hơn, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được bỏ đúng nơi quy định. Hội Nông dân xã cũng thường tổ chức thu gom, xử lý nên không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải trong các bể chứa”.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Theo chỉ dẫn của ông Tôn Thất Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện, chúng tôi mục sở thị nhiều bể rác tại cánh đồng lúa ở xã Ia Ake. Theo quan sát của chúng tôi, trên cánh đồng có hàng chục bể chứa, bên trong có nhiều rác thải nông nghiệp như: bao bì thuốc BVTV, túi ni lông… Còn trên các thửa ruộng không còn thấy cảnh rác thải vương vãi. Ông Tuấn cho hay: “Thường thì cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con sẽ ra đồng thu gom rác từ bể chứa rồi đốt”.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn huyện Phú Thiện, với 40.000 ha đất canh tác nông nghiệp thì cần 11.000 bể chứa rác thải. Tuy số lượng bể chứa rác thải còn ít nhưng người dân đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức. Ông Đỗ Văn Nhật (thôn Đoàn Kết, xã Ia Hiao) bộc bạch: “Ngày trước, mấy ai để ý đến chuyện thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đâu. Nhiều khi phun xong thuốc thì vứt ngay bên bờ ruộng. Sau này, chúng tôi thường xuyên thu gom nên không còn cảnh rác thải nông nghiệp vương vãi trên ruộng đồng như trước nữa”.
Hội Nông dân huyện Phú Thiện tổ chức lễ ra quân dọn vệ sinh môi trường đồng ruộng. Ảnh_ H.S
Hội Nông dân huyện Phú Thiện tổ chức lễ ra quân dọn vệ sinh môi trường đồng ruộng. Ảnh: Hoành Sơn
Sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân ở huyện Phú Thiện đã giúp cho đồng ruộng ngày một sạch hơn. Tuy vậy, việc giữ gìn vệ sinh đồng ruộng vẫn cần những giải pháp bền vững hơn. Về vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh Hà-chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-thông tin: “Huyện đang gặp khó trong hoạt động thu gom rác thải nông nghiệp, nhất là vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Ngoài khó khăn về ngân sách thì cán bộ ở địa phương chưa được bồi dưỡng kiến thức xử lý chất thải nguy hại. Hiện nay, huyện chưa có nhà tạm chứa và chưa ký kết được với công ty chuyên xử lý vỏ chai, bao bì thuốc BVTV hay chất thải nông nghiệp nguy hại. Do vậy, việc xử lý rác thải nông nghiệp vẫn chỉ bằng 2 hình thức chính là đốt và chôn lấp”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện cấp kinh phí cho các xã, thị trấn mua thêm bể chứa, ký kết với đơn vị có chức năng xử lý rác thải nông nghiệp; đồng thời kêu gọi xã hội hóa để đặt thêm các bể chứa rác thải. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục chú trọng hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ môi trường đồng ruộng và kiểm tra công tác vận chuyển, xử lý rác ở địa phương”.
 
HOÀNH SƠN