Xã Ia Ake được chọn làm điểm triển khai mô hình Trở về đức tin, giữ bình yên buôn, làng. Ảnh: Vũ Chi |
Xây dựng mô hình điểm ở xã Ia Ake
Tháng 3-2022, qua nắm bắt tình hình, Công an huyện Phú Thiện đã phát hiện 23 đối tượng tại 14 thôn, làng, tổ dân phố thuộc 6 xã, thị trấn của huyện có dấu hiệu phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”. Trước tình hình đó, Công an huyện Phú Thiện đã chủ động tham mưu Thường trực Huyện ủy, Giám đốc Công an tỉnh chọn 2 thôn Tân Điệp 1 và Glung Mơ Lan (xã Ia Ake) làm thí điểm triển khai mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng”.
Với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó ngại khổ, có phương pháp vận động phù hợp, đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người từng lầm lỡ nay đã tiến bộ, mô hình đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2022 đến nay, xã đã vận động được 48 hộ với 227 nhân khẩu từ bỏ “Tin lành Đê ga” trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy.
Là một nhân tố tích cực cùng với chính quyền địa phương tham gia công tác tuyên truyền, vận động bà con dân làng chăm lo làm ăn, không tin và làm theo lời kẻ xấu kích động, lôi kéo, ông Siu Un (thôn Glung Mơ Lan) chia sẻ: “16 năm tù là cái giá tôi phải trả vì nghe theo đối tượng FULRO lưu vong lôi kéo chống phá chính quyền. Giờ đây tôi đã thực sự thức tỉnh. "Tin lành Đê ga" không phải là một tôn giáo chính thống mà là tổ chức phản động, gây rối chống phá Nhà nước. Vì vậy, bà con đừng mắc mưu kẻ xấu, lầm đường lạc lối để sau này phải ân hận như tôi”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân được nâng lên, chủ động tham gia các mô hình, cuộc vận động do địa phương phát động. Trong đó, mô hình xã hội hóa lắp đặt camera giám sát an ninh đã vận động trên 100 triệu đồng lắp đặt 22 mắt camera tại 8/8 thôn, làng. Mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã vận động được 1.744 hộ tự trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy cho gia đình, đạt 85,4%.
Nhờ hình ảnh camera giám sát an ninh truyền về trụ sở, Công an các địa phương tại huyện Phú Thiện có thể kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật. Ảnh: Vũ Chi |
Ông Bùi Văn Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Ake-cho hay: Là địa bàn “nóng” về an ninh trật tự nên Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) xã tăng cường chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
"Vừa qua, xã được tỉnh chọn tổ chức điểm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công an, tỉnh, huyện. Đây là niềm tự hào và là động lực để xã đẩy mạnh hơn nữa phong trào trong giai đoạn tiếp theo"-ông Khiêm cho hay.
Tạo sức lan tỏa rộng khắp
Từ kết quả mô hình điểm tại xã Ia Ake, đến nay, 8 xã, thị trấn tiềm ẩn hoạt động của các đối tượng FULRO trong toàn huyện đã ra mắt mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn, làng” với 8 Ban chỉ đạo, 27 tổ vận động ở các thôn, làng, tổ dân phố với 165 thành viên tham gia vận động. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp sức của các chức sắc, chức việc tôn giáo, người uy tín đã vận động được 133 hộ, 556 trường hợp từ bỏ “Tin lành Đê ga” quay về sinh hoạt tôn giáo hợp pháp hoặc không theo tôn giáo.
Bên cạnh đó, huyện đã duy trì và phát triển một số mô hình như: “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tự quản đảm bảo trật tự an toàn giao thông” “Mạng xã hội với pháp luật, vì bình yên cuộc sống”, “Camera giám sát an ninh”…
Nhờ đó, trên địa bàn huyện Phú Thiện hiện không xảy ra những vụ vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trên các lĩnh vực như kinh tế, tham nhũng, ma túy; tai nạn giao thông có chiều hướng giảm dần ở cả 3 chỉ số về số vụ, số người chết và số người bị thương; công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Ban Chỉ đạo tỉnh tặng 10 phần quà cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi |
Thiếu tá Phạm Văn Hùng-Trưởng Công an xã Ia Hiao-cho hay: Sau 3 năm thành lập mô hình “Camera giám sát an ninh”, xã đã lắp đặt được 30 mắt camera tại 9/9 thôn, làng. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, giảm thiểu đáng kể tình trạng gây mất an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.
Riêng năm 2023, mô hình đã trích xuất, cung cấp thông tin 23 vụ việc cho các đơn vị liên quan, góp phần làm rõ 9 vụ va quẹt giao thông, 1 vụ giết người, 1 vụ trộm cắp tài sản, 1 vụ xả rác thải ra đường và phát hiện, gọi hỏi, răn đe 30 đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm.
Thượng tá Mã Ngọc Lâm-Phó Trưởng Công an huyện Phú Thiện khẳng định: Hiệu quả lớn nhất từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở huyện Phú Thiện là huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Người dân thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng-chống tội phạm, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Để phong trào đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, lực lượng Công an huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cũng như phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.