Kinh tế

Tài chính

Phú Thiện: Nguồn vốn chính sách "phủ sóng" về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội mà nhiều hộ dân ở các làng: Pông, King Pêng, Trớ, Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.
Tiệm tạp hóa của vợ chồng anh Kpă Tôna (SN 1995) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con làng Pông mỗi khi cần mua các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Anh Kpă Tôna cho hay: Sau khi ra ở riêng, vợ chồng anh được bố mẹ cho mảnh đất cất nhà. Sau đó, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để mua 3 con bò lai sinh sản. Hiện đàn bò đã sinh thêm 2 con bê.
“Mình còn trẻ nên phải chịu khó học hỏi làm ăn, phấn khởi nhất là có nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ, đời sống gia đình mình đỡ hơn trước rất nhiều”-anh Tôna bày tỏ.  
Nhờ tích cực và nhiệt tình nên anh Nay Xích được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của làng Pông. Anh cho biết: “Tôi cũng nhờ nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi bò, trồng mì, trồng lúa nên thu nhập hàng năm dần ổn định. Phấn khởi nhất là tôi vừa xây được căn nhà mới với kinh phí 300 triệu đồng. Bây giờ, đa phần thanh niên trong làng rất chịu khó vay vốn làm ăn. Một số còn làm công nhân cho các doanh nghiệp với thu nhập 6-7 triệu đồng mỗi tháng”. Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Pông do anh Xích quản lý có dư nợ hơn 2 tỷ đồng.  
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay tại làng Pông. Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay tại làng Pông (xã Chư A Thai). Ảnh: Sơn Ca

Làng Pông là 1 trong 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của xã Chư A Thai. Nếu như trước đây, bà con rất ngại vay vốn ngân hàng thì nay họ đã thay đổi suy nghĩ. Bà Phạm Thị Điệu-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư A Thai-cho biết: “Trước đây, Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Pông chỉ có 20 thành viên thì nay đã tăng gấp đôi với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Các tổ do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý thì thành viên nữ chiếm tới 85%”.

Xã Chư A Thai có 11 dân tộc anh em sinh sống tại 9 thôn, làng. Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện đã bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai kế hoạch tín dụng gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương; đặc biệt là gắn với việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng tại xã Chư A Thai đạt 28,973 tỷ đồng với 677 hộ vay, trong đó, dư nợ của 4 làng Đồn đạt 6,848 tỷ đồng với 194 hộ vay, chiếm 23,6% tổng dư nợ của xã. Cả 4 tổ vay vốn đều không có nợ khoanh, nợ quá hạn. Ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện-cho biết: “Không chỉ vốn hỗ trợ bà con để phát triển sản xuất, chúng tôi còn cho vay xây dựng công trình nước sạch, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động”.  
Đánh giá về vai trò của tín dụng chính sách đối với phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, ông Trần Quang Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai-cho hay: “Nguồn vốn này đã giúp bà con ở các làng căn cứ kháng chiến đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương được kéo giảm qua từng năm”.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm