Pháp luật

Tin tức

Phú Thiện: "Nóng" tội phạm hoạt động "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, nhiều nhóm đối tượng đã chọn huyện Phú Thiện, Gia Lai làm địa bàn để hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen”. Trước tình hình này, Công an huyện Phú Thiện đã lên kế hoạch quyết tâm xóa bỏ loại tội phạm này.
Thủ đoạn tinh vi
Theo Công an huyện Phú Thiện, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số nhóm đối tượng từ Chư Sê, Chư Pưh xuống và từ các tỉnh phía Bắc vào để hoạt động cho vay nặng lãi. Các đối tượng thường dán tờ rơi quảng cáo vay tiền trả góp kèm theo số điện thoại tại khu vực công cộng, khu dân cư... Một số nhóm còn in danh thiếp với những nội dung hấp dẫn, quảng cáo dịch vụ cho vay “trao tiền tận tay”. Khi người dân có nhu cầu vay tiền, các đối tượng sẽ liên lạc trực tiếp, tìm hiểu điều kiện kinh tế của họ để quyết định số tiền cho vay. Mức lãi suất mà các đối tượng đưa ra dao động từ 15% đến hơn 30%/tháng.
Khi thực hiện giao dịch, người vay chỉ cần cung cấp một trong những giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký xe... rồi ký tên hoặc lăn tay vào giấy nhận tiền theo mẫu các đối tượng chuẩn bị sẵn là nhận được tiền. Để gây khó dễ cho lực lượng chức năng, các đối tượng và người cho vay thỏa thuận số tiền lãi bằng miệng chứ không thể hiện trên giấy tờ. Điều này khiến quá trình đấu tranh với các đối tượng để chứng minh hành vi phạm pháp gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng đều dùng tên giả khi giao dịch, hoạt động lưu động thất thường ở nhiều địa bàn khác nhau và thường chỉ liên hệ với người vay qua điện thoại nên khó xác định danh tính để theo dõi, bắt quả tang.
 Các đối tượng Nam, Tuấn, Đạt (từ trái sang) tại cơ quan Công an. Ảnh: L.V.N
Các đối tượng Nam, Tuấn, Đạt (từ trái sang) tại cơ quan Công an. Ảnh: L.V.N
Trong khi đó, hầu hết người chấp nhận vay tiền với lãi suất cao đều không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh tín dụng chính thức. Một số khác vay của các đối tượng này để cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn hòng trục lợi. Do đó, đa phần người “bị hại” trong các vụ cho vay nặng lãi đều không hợp tác với lực lượng Công an. Một số nhóm đối tượng còn có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực khi đòi nợ khiến người vay lo sợ bị trả thù nếu báo cơ quan chức năng.
Quyết tâm xóa bỏ
Đại úy Lê Nguyễn Duy Tuân-Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra Công an huyện Phú Thiện-cho hay, hiện các quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe... Điều này dẫn đến việc các đối tượng có nhiều thủ đoạn để lách luật.
Trước tình hình hoạt động của các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự trên địa bàn, Công an huyện Phú Thiện đã lên kế hoạch bóc gỡ. “Trinh sát đã phải bám theo các đối tượng trong một thời gian dài để nắm rõ hành tung hoạt động của từng nhóm. Mặt khác, trinh sát cũng bí mật tiếp cận, thuyết phục các con nợ hợp tác với cơ quan Công an. Với quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công an huyện, Đội Cảnh sát Điều tra đã liên tiếp triệt phá các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi”-Đại úy Tuân cho biết.
Theo đó, chỉ trong tháng 9 và tháng 10-2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Phú Thiện đã khởi tố 3 vụ án/7 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các nhóm này đã cho hàng trăm người vay với tổng số tiền giao dịch hàng tỷ đồng. Trong đó có nhóm đối tượng của Dương Văn Tuấn (SN 1993, tạm trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê; quê quán tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), Vũ Văn Đạt (SN 1980, trú tại xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Trần Văn Nam (SN 2000, trú tại xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Kết quả điều tra xác định, tháng 3-2019, Tuấn từ Hà Nội vào huyện Chư Sê thuê nhà trọ rồi cùng với Đạt, Nam đi phát tờ rơi, danh thiếp quảng cáo về việc cho vay tiền trên địa bàn các huyện Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Từ đó đến cuối tháng 8-2019, các đối tượng đã cho khoảng 80 người dân tại các địa phương trên vay tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng với lãi suất từ 15%/tháng trở lên và thu lợi bất chính 380 triệu đồng.
“Sau khi triệt phá 3 nhóm đối tượng vãng lai, hiện trên địa bàn cơ bản không còn tình trạng hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Đơn vị cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”, nếu có dấu hiệu phạm pháp hình sự sẽ quyết tâm triệt phá”-Đại úy Tuân khẳng định.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm