(GLO)- Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phú Thiện đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh
Bà Tống Thị Quy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Sol phấn khởi dẫn chúng tôi đi tham quan con đường hoa của phụ nữ thôn Thắng Lợi 1. Dọc hai bên các tuyến đường liên thôn nơi đây, các loại hoa mười giờ, cúc dại... đua nhau khoe sắc. Cảnh quan môi trường nơi đây như được khoác lên một màu áo mới đầy sức sống. “Đó là kết quả sau vài tháng hội viên phụ nữ thôn triển khai mô hình “Con đường hoa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động. Đến nay, trục đường chính dài 200 m đi vào thôn Thắng Lợi 1 đã được chị em trong thôn trồng nhiều loại hoa”-bà Quy cho hay.
Con đường hoa của phụ nữ thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol. Ảnh: Đ.P |
Cũng theo bà Quy, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Sol còn vận động chị em cải tạo diện tích hàng rào kẽm gai, hàng rào lưới B40 và các khoảng trống tại khu dân cư để thực hiện mô hình “Hàng rào xanh”, lựa chọn trồng các loại cây dây leo như: mồng tơi, khổ qua… vừa tạo khoảng xanh mát vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Việc triển khai mô hình “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo hội viên tại các chi hội Phụ nữ trên địa bàn. Đến nay, 130/130 chi hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Phú Thiện đã thực hiện được 6.300 m “Con đường hoa” và 1.000 m “Hàng rào xanh”, trồng các loại hoa, rau như: mười giờ, cúc dại, mào gà, mồng tơi, khổ qua... “Nhìn lối đi trong thôn làng có cây xanh bóng mát, hoa tươi khoe sắc, ai cũng thích và thêm yêu thôn làng của mình”-bà Võ Hoàng Lan-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Thiện, cho biết.
Cùng với đó, việc triển khai nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương thực hiện khá hiệu quả. Ban Công tác Mặt trận thôn đã dựa vào những người có uy tín cao trong cộng đồng như: trưởng thôn, già làng, trưởng tộc để vận động các gia đình, dòng họ thực hiện quy chế, hương ước của thôn, làng. Già làng Nay Krem (thôn Rbai B, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) cho hay, trước đây, khi trong nhà ai có người chết thì thường tổ chức đập heo, bò cúng rất linh đình, bà con dòng họ ở nhiều làng, nhiều xã kéo đến ăn uống rình rang qua nhiều ngày, rất tốn kém mà lại ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Đám cưới cũng thế, rất linh đình, tốn kém. Nhà không có tiền phải đi vay mượn nên sau đám cưới, đám ma thì lâm vào cảnh nợ nần…
“Thấy được tác hại của việc đó, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động các gia đình, dòng họ thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang; đưa các quy định về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám ma vào hương ước, quy ước của thôn, làng để các gia đình, dòng họ thực hiện. Việc tổ chức lễ hội cũng chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Mới đây, cộng đồng Jrai ở thôn Rbai A và Rbai B đã chung sức tổ chức lễ cúng cầu mưa rất thành công, thu hút sự quan tâm của khá đông du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đó là tiền đề để xã, huyện định hướng phát triển du lịch trong tương lai”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar Phạm Văn Phương cho hay.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Giới thiệu những mô hình mới trong thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ông Võ Thanh Lâm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện, chia sẻ: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được huyện triển khai song song với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cách làm này đã huy động được nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ đắc lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Người dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, phá dỡ tường rào và đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, làm nhà vệ sinh đạt chuẩn; di dời chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sinh hoạt, sản xuất… Diện mạo nông thôn nhờ đó đã có những thay đổi tích cực, đường làng, ngõ xóm thêm khang trang, sạch đẹp”.
Ông Võ Thanh Lâm thông tin thêm: “Huyện đang tăng cường tuyên truyền, tổ chức các buổi học tập giữa các thôn, làng, tổ dân phố, chú trọng phát triển theo chiều sâu, chất lượng các mô hình, câu lạc bộ… tiến tới nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả. Trong đó, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hiện tiêu chí văn hóa với các danh hiệu thi đua trong năm…”.
Cùng với xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, huyện Phú Thiện còn tập trung xây dựng gia đình văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị… Huyện đang vận động 10/10 xã, thị trấn xây dựng đề án xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị. Đến nay, huyện Phú Thiện đã có xã Ia Sol và xã Ayun Hạ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đức Phương