Đô thị

Nhịp sống Đô thị

'Phấn đấu thông toàn tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đến Quảng Ngãi trong năm 2025'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng đề nghị các chủ thể liên quan cùng nỗ lực để chậm nhất là 30/6/2025 hoàn thành dự án Hoài Nhơn-Quy Nhơn, góp phần thông tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi tới Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thi công dự án cao tốc Hoài Nhơn- Quy Nhơn đoạn qua tỉnh Bình Định. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thi công dự án cao tốc Hoài Nhơn- Quy Nhơn đoạn qua tỉnh Bình Định. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát hiện trường, động viên, kiểm tra, đôn đốc các lực lượng đang thi công và chỉ đạo xử lý vướng mắc thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.

Thủ tướng và đoàn công tác tới kiểm tra các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm Vân Phong-Nha Trang, Chí Thạnh-Vân Phong, Hoài Nhơn-Quy Nhơn; đồng thời khảo sát dự án xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tại các điểm tới kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần lao động của các cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động vì đất nước, vì nhân dân và đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp,” “xuyên lễ, xuyên Tết,” “vượt nắng, thắng mưa,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” “bàn làm không bàn lùi”; thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ/mỹ thuật công trình, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát khen thưởng kịp thời và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là không để xảy ra tình trạng mua-bán thầu; chăm lo đời sống cho người lao động; đảm bảo đời sống của người dân phải di dời nhường đất cho các dự án có nơi ở mới tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; tổ chức quản lý, vận hành giao thông thông minh; xây dựng các trạm dừng nghỉ và công trình phụ trợ đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí đường bộ cao tốc mà Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành.

Dự án thành phần đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang có tổng chiều dài 83,35km đi qua 4 huyện, thị xã của tỉnh Khánh Hòa; có tổng mức đầu tư 11.808 tỷ đồng; khởi công tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành và thực hiện tái định cư cho 100% hộ dân tại 6/6 khu tái định cư; tuy nhiên một số công trình hạ tầng thiết yếu chưa hoàn thành di dời.

Các vật liệu đá, cát, đất đắp đang được khai thác đáp ứng yêu cầu. Công tác thi công đang được triển khai đồng bộ; lũy kế sản lượng đạt 50% giá trị hợp đồng, vượt 5% so với kế hoạch hợp đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên công nhân thi công Dự án cao tốc Vân Phong-Nha Trang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên công nhân thi công Dự án cao tốc Vân Phong-Nha Trang. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tặng quà động viên lực lượng đang thi công tại công trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung thi công để rút ngắn tiến độ so với dự kiến; cùng với tổ chức thi công đường, tiến hành xây dựng các trạm dừng nghỉ, hệ thống quản lý, vận hành giao thông thông minh đồng thời khi dự án hoàn thành.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng; đảm bảo đời sống của nhân dân phải di dời và bị ảnh hưởng bởi dự án; phối hợp với các ngành hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là việc di dời điện cao thế phục vụ thi công dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km). Dự án gồm 3 dự án thành phần; dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án thành phần đạt từ 72-98%. Các dự án thành phần đã tổ chức khảo sát trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng, khả năng cung cấp vật liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu. Mới được triển khai, song công tác thi công đang được đẩy mạnh, hiện đạt khoảng 4% giá trị các hợp đồng, cơ bản đang bám sát tiến độ dự án.

Tặng quà động viên cán bộ, công nhân trên công trường, Thủ tướng Chính phủ cho biết, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng, kết nối 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; công trình hoàn thành sớm ngày nào người dân sớm được hưởng lợi ngày đó; Tây Nguyên-Nam Trung Bộ có điều kiện phát triển ngày đó.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng, trong đó giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác, xử lý tài sản tận thu rừng. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương dự án đi qua tính toán tổ chức nút giao phù hợp, vừa tạo thuận lợi kết nối giao thông liên vùng, toàn quốc, vừa tạo không gian phát triển mới.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ tới kiểm tra thi công Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh-Vân Phong, dài 48,05km đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên; có tổng mức đầu tư 10.733 tỷ đồng; khởi công tháng 01/2023, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025.

Báo cáo với Thủ tướng, Ban Quản lý dự án 7 cho biết, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 99,9% mặt bằng cho đơn vị thi công; chuẩn bị đủ vật liệu xây dựng, đá, cát, đất đắp cho dự án.

Đặc biệt, các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị, nhân lực thi công đồng loạt trên toàn bộ tuyến đường. Nhờ đó, sản lượng lũy kế thực hiện dự án đến nay đạt 39,85% hợp đồng.

Thăm hỏi cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đang thi công trên công trường hầm đường bộ Tuy An thuộc dự án do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần hăng say lao động của cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường vì sự phát triển của đất nước; Bộ Giao thông, Ban Quản lý dự án 7 và tỉnh Phú Yên đã phối hợp, triển khai hiệu quả các phần việc liên quan dự án; yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị và tỉnh Phú Yên tiếp tục phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9.

Trong đó xử lý hiệu quả các đoạn, điểm có nền đất yếu; hoàn tất thủ tục chuyển đổi đất rừng, di dời công trình kỹ thuật để giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung thi công cầu Đà Rằng và thay đổi biện pháp kỹ thuật thông hầm Tuy An trước thời hạn; nghiên cứu mở, xây dựng các nút giao nhằm tạo không gian phát triển mới, song phải có cảnh quan kiến trúc đẹp, là điểm nhấn về du lịch.

Thủ tướng nhất trí xem xét đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả về việc bổ sung các hạng mục kỹ thuật trong các hầm đường bộ; xây dựng các hầm đường bộ phải là hầm đôi để đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức quản lý, vận hành giao thông thông minh; xây dựng các trạm dừng nghỉ và công trình phụ trợ đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí đường bộ cao tốc mà Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành.

Kết thúc chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn dài 70,1km đi qua 6 huyện, thị xã thuộc tỉnh Bình Định; có tổng mức đầu tư 12.400 tỷ đồng, mới khởi công ngày 01/01/2023, dự kiến hoàn thành ngày 30/9/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân thi công hầm Tuy An thuộc Dự án cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong đoạn qua tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân thi công hầm Tuy An thuộc Dự án cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong đoạn qua tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Báo cáo với Thủ tướng Ban Quản lý dự án cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành; tỉnh đã xây dựng 24 khu tái định cư để đón 582 hộ dân vào ở. Hiện nay việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là các đường điện chậm hơn do tính chất kỹ thuật.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, đơn vị và địa phương đã chuẩn bị đủ về vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, không vướng mắc, cơ bản đáp ứng tiến độ. Các nhà thầu đã huy động 103 mũi thi công đồng loạt trên toàn bộ tuyến đường; lũy kế sản lượng đạt 30.82% giá trị hợp đồng, nhanh 0,28% so với tiến độ dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ ngành, ban quản lý dự án, nhà thầu và địa phương đã làm rất tốt việc giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án,

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan hoàn thành sớm việc giải phóng mặt bằng, sớm giải quyết một số vị trí đang còn vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng biểu dương và đề nghị các cơ quan tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích nhà thầu tập đoàn Sơn Hải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng chất lượng, tiến độ mà không làm tăng chi phí trong thi công dự án.

Thủ tướng đề nghị các chủ thể liên quan cùng nỗ lực để cố gắng 30/4/2025, chậm nhất là 30/6/2025 hoàn thành dự án Hoài Nhơn-Quy Nhơn, góp phần thông tuyến cao tốc từ Quảng Ngãi tới Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2025, với tinh thần “tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc,” “tất cả vì miền Nam ruột thịt.”

Theo quy hoạch toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đến thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau dài 2.064km; hiện nay đã hoàn thành, đang khai thác 1.226km.

Toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam còn 4 đoạn tuyến đang triển khai với tổng chiều dài 838km gồm tuyến Pháp Vân-Lạng Sơn nối Hà Nội đi Lạng Sơn dài 110km; Bãi Vọt-Cam Lộ nối Hà Tĩnh và Quảng Trị dài 267km; Quảng Ngãi-Khánh Hòa nối các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa dài 351km.

Cùng với tuyến cao tốc Bắc-Nam, cả nước đã, đang và sẽ triển khai nhiều tuyến đường bộ cao tốc liên vùng từ Bắc tới Nam; phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và sẽ đạt mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm