Du lịch là ngành đầu tiên tê liệt vì dịch bệnh nhưng cũng là một trong những ngành đang có kế hoạch phục hồi trước tiên từ nhu cầu của chính người dân vốn đã "cuồng chân" sau những ngày chờ đợi. Vậy ngành du lịch sẽ phục hồi như thế nào?
Du khách nước ngoài tham quan trung tâm TP.HCM trong mùa dịch COVID-19 (tháng 3-2020) - Ảnh: T.T.D.
Theo các doanh nghiệp, cần có một chương trình hành động để tăng cường liên kết ngành, kích cầu thị trường trong và ngoài nước, bên cạnh nỗ lực riêng của từng doanh nghiệp để ngành du lịch nhanh chóng tăng trưởng trở lại.
Ưu tiên điểm đến gần và ngắn ngày
Ngành du lịch khá bị động khi trở lại thị trường vì mới chỉ được "nới lỏng", các dịch vụ cung ứng trong tour chưa khởi động một cách đồng bộ nên rất khó xây dựng tour trọn gói trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Vietravel - cho biết có ba xu hướng du lịch thay đổi mà doanh nghiệp này đang chuyển động để thích ứng, đó là du lịch ở quãng gần dưới 300km, du lịch theo nhóm nhỏ giữa các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân cũng sẽ lên ngôi.
Ông Kỳ cho rằng đây là sự thay đổi lớn so với trước dịch, khi các công ty du lịch trước chỉ tập trung vào tour du lịch trọn gói, tour đông người, du lịch MICE...
Hiện Vietravel đã mở cửa lại trụ sở chính ở quận 3 (TP.HCM), các chi nhánh tại khu vực Đông Nam Bộ và chi nhánh vùng như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ...
Tương tự đại diện các công ty du lịch lữ hành Saigontourist, Fiditour... cũng cho biết đã có kế hoạch tung sản phẩm mới ngay sau kỳ nghỉ lễ, tập trung vào nhóm khách nội địa, chủ yếu chùm tour ngắn ngày, quy mô vừa phải. Hiện một số đơn vị còn cung cấp các dịch vụ cho du lịch cá nhân, trải nghiệm những điểm mới, xa thành thị.
Bà Trần Bảo Thu - giám đốc truyền thông Lữ hành Fiditour - cho biết từ đầu tháng 5 này các bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, sau khi Trung tâm vận chuyển và dịch vụ hàng không đã làm việc bình thường từ cuối tháng 4. Hiện nơi này đã có khách liên hệ yêu cầu tư vấn và đặt dịch vụ lại trên các kênh online dù chưa nhộn nhịp như trước nhưng cũng là tín hiệu tốt.
"Theo kế hoạch các sản phẩm cho tháng 5, 6, 7 tới đây được thiết kế để phục vụ cho đối tượng nhóm khách gia đình với dạng tour Free&Easy, tour option, thời gian ngắn, tối đa 4 ngày và ưu tiên cho các điểm đến gần, di chuyển thuận tiện bằng ôtô, hàng không thì là các chặng bay ngắn" - bà Bảo Thu cho biết đồng thời dự đoán khách sẽ đi theo nhóm gia đình nhiều, nếu có ghép cũng sẽ ghép với nhóm bạn bè mà khách biết rõ lịch sử y tế của nhau.
Ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP.HCM, từ nay đến cuối năm thị trường vẫn tập trung vào sản phẩm du lịch nội địa, đa dạng nhu cầu từ các sản phẩm từ Free&Easy, tour option, tour trọn gói đến các dịch vụ riêng như vé máy bay, thuê ôtô, đặt phòng khách sạn... Vậy nên xu hướng lựa chọn đến các địa điểm gần sẽ là một yếu tố có lợi cho quá trình hồi phục của du lịch VN.
Khách người mang, người không mang khẩu trang tại các điểm du lịch ở Đà Lạt (ảnh chụp ngày 1-5) - Ảnh: ĐỨC THỌ
Phải liên kết để có giá tour tốt
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết trước mắt, ngành du lịch TP sẽ khai thác khách nội địa, doanh nghiệp nào đánh giá an toàn mới được khai thác theo quy mô và số khách vừa phải, phù hợp với năng lực của mình.
"Có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng nên việc quay trở lại cũng rất thận trọng. Chúng tôi cũng nhìn thấy một số doanh nghiệp đã sẵn sàng cho sau dịp lễ này" - ông Vũ nói.
Tuy vậy, ông Vũ cũng cho rằng các doanh nghiệp bắt tay quay lại thị trường lúc này sẽ phải giải quyết bài toán sản phẩm, cách thức vận hành tour bởi du lịch sau dịch thay đổi đáng kể, từ cách thức du khách chọn điểm đến, lập kế hoạch hành trình đến cách đi du lịch. Trong đó, du khách cũng sẽ trở nên nhạy cảm với chi phí hơn, hệ lụy của khủng hoảng do COVID-19.
Theo ông Phước Đặng - CEO Công ty Outbox consulting, du khách sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến có các sản phẩm trọn gói với giá ưu đãi để vừa giải tỏa tâm lý sau dịch nhưng vẫn bảo đảm việc tiết kiệm chi phí.
Do đó các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp phục hồi theo mức độ ưu tiên ứng với khả năng khống chế dịch bệnh của mỗi thị trường mục tiêu, từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động. Trong đó, thị trường nội địa sẽ ưu tiên trước, tiếp đến là thị trường các quốc gia Đông Nam Á sau khi quy định về phòng chống dịch được nới lỏng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết đang tăng cường khảo sát lại dịch vụ để lên các gói MICE phù hợp, khi được phép tổ chức thì đáp ứng ngay vì hiện nhu cầu du lịch công vụ, xây dựng đội nhóm, tăng cường marketing nội bộ của các doanh nghiệp sau dịch cũng đang có.
Tuy nhiên, để tổ chức cho tour số đông an toàn, các đối tác và công ty lữ hành phải đáp ứng được yêu cầu an toàn phòng chống dịch với các doanh nghiệp có phân khúc tour đoàn, doanh nghiệp lớn thì việc này đúng là rất quan trọng.
Cao điểm du lịch hè chỉ còn 3 tuần?
Tuy phấn khởi trước sự trở lại nhanh chóng của thị trường nhưng các công ty du lịch vẫn không khỏi lo lắng.
Theo ông Nguyễn Châu Á - giám đốc Oxalis, hiện nay nhiều doanh nghiệp TP.HCM vẫn chưa đón khách trong dịp 30-4 và 1-5, bởi nếu mở cửa đón khách doanh nghiệp phải có đủ bộ máy để hoạt động, và có thể những ngày lễ resort sẽ kín phòng nhưng chắc chắn hai ngày không thể nuôi nhân viên cả tháng được vì thị trường khách của họ là khách quốc tế mà hiện nay chưa thể vào VN.
Việc đóng cửa hoạt động là rất dễ nhưng mở lại thì rất khó, cần một sự quyết tâm lớn, nhất là những nơi sử dụng nhiều lao động.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng sau khi kỳ nghỉ lễ, học sinh sẽ lần lượt đi học trở lại, thị trường du lịch sẽ nhanh chóng trầm lắng.
Với lịch học và thi của ngành giáo dục, các công ty du lịch tính toán thị trường hè 3 tháng hằng năm sẽ chỉ còn kéo dài 3 tuần trước khi vào năm học mới. Trong khi đó, hiện nay khách du lịch hàng không vẫn chưa nhiều, ngành hàng không cũng như ngành du lịch cần tạo thêm nhiều hoạt động để khách yên tâm đi du lịch bằng đường hàng không trở lại.
Trước mắt tour trong tháng 6, 7 sẽ đến miền biển xanh, cát trắng và Tây Nguyên và mở rộng thêm tour Miền Tây mùa trái cây. Đây là những điểm đến an toàn trong mùa dịch COVID-19 vừa qua.
Cũng đã có khá nhiều khách hỏi tour cho các tháng 8, 9, 10 vì có thể tâm lý khách nghĩ đến thời điểm đó dịch đã được kiểm soát tốt hơn nữa cũng là một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp du lịch. |
Cần gói hỗ trợ tái khởi động
Dù VN đang có lợi thế về hình ảnh điểm đến khá an toàn, tích cực trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19, được rất nhiều du khách quốc tế ghi nhận và thán phục nhưng ông Trần Thế Dũng - phó chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu Hiệp hội Du lịch TP.HCM - cho rằng muốn phục hồi hoạt động du lịch sau dịch, trong bối cảnh VN đối mặt với kinh tế suy giảm, nguồn thu của người dân giảm mạnh thì nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Các doanh nghiệp đều muốn nhanh chóng hoạt động nhằm giữ lại lực lượng lao động vốn là nhân tố then chốt để có thể phục hồi sau dịch. Tuy nhiên họ cũng vướng phải khả năng chi trả, thiếu hụt dòng tiền. Do đó, các chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng tận dụng giá vé máy bay kích cầu, dịch vụ của các đơn vị để có giá tour giảm sâu, kích cầu khách nội địa và cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Ông Trần Hùng Việt - chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM - cho rằng việc khuyến khích đi lại, nghỉ dưỡng chỉ có thể làm được nếu các khách sạn liên kết đưa ra mức giá tốt. Kinh nghiệm từ câu chuyện khôi phục du lịch của Nhật Bản cho thấy sự liên kết giữa chính quyền các địa phương rất quan trọng, giúp nước này từng hồi phục du lịch một cách nhanh chóng.
Ngay khi dịch có dấu hiệu kiểm soát tốt, hiệp hội đã có những chương trình kích cầu du lịch giảm giá khoảng 40% cho khách đoàn, khách lẻ. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hiệp hội vẫn tổ chức các buổi tập huấn online cho một số đơn vị hỗ trợ, chuẩn bị nhân sự cho "hậu COVID-19", đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về chương trình kích cầu với các địa phương, hiệp hội bạn ở các tỉnh thành...
|
Du lịch - hàng không nắm chặt tay nhau
Trong bối cảnh đường bay quốc tế "đóng băng", hãng bay và công ty du lịch đang dồn sức kích cầu thị trường nội địa với những hợp tác tạo sự nhộn nhịp trở lại.
Theo ghi nhận, những khu nghỉ dưỡng lớn có hệ thống tiện ích đa dạng thường giới thiệu các combo trọn gói, có khi kết hợp với hãng bay, có khi kết hợp với các tiện ích của chính khu nghỉ. Mua loại combo này có thể tiết kiệm trung bình đến 50% chi phí hoặc hơn so với giá niêm yết.
Hiện Vinpearl tung ra combo du lịch trọn gói 3 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng, Nha Trang hoặc Phú Quốc, đã bao gồm vé máy bay khứ hồi giảm giá tới 50%... Trong khi đó, FLC Hotels & Resorts có combo "Happy Sunshine" trọn gói đêm nghỉ, miễn phí thêm một bữa trưa hoặc bữa tối, miễn phí nhận phòng sớm hoặc trả phòng muộn cùng hàng loạt dịch vụ khác tại Sầm Sơn và Quy Nhơn cho đến hết năm 2020. Đây cũng là đơn vị thường xuyên kết hợp với Hãng Bamboo Airways để đưa ra các sản phẩm trọn gói bao gồm vé máy bay...
Không để máy bay "nằm đất" và khách sạn, khu du lịch vắng vẻ, sự "bắt tay" của Hãng hàng không Vietnam Airlines với Vinpearl mới đây đề xuất tặng các "chiến binh áo trắng" 5.000 kỳ nghỉ trọn gói gồm 1 cặp vé máy bay khứ hồi hành trình nội địa và kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm tại hệ thống nghỉ dưỡng 5 sao dành cho tối đa 4 thành viên trong gia đình ngay sau khi VN công bố hết dịch trên toàn quốc.
Đây không chỉ chương trình ý nghĩa mà còn là cú hích để tạo sự nhộn nhịp giữa hàng không và du lịch. Vietnam Airlines sẽ đài thọ 10.000 vé máy bay khứ hồi, tương đương 5.000 cặp vé, đồng thời giảm 75% giá vé máy bay cho tối đa 2 người đi cùng mỗi y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Như vậy cứ mỗi bác sĩ sẽ có 2 người đi cùng, tức là thêm 20.000 vé máy bay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Hà - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết việc phối hợp này vừa có ý nghĩa tri ân, trong đó cũng có phần kích cầu người dân đi lại bằng đường hàng không, tạo tâm lý đi du lịch an toàn. "Sắp tới chúng tôi sẽ có thêm nhiều chương trình phối hợp du lịch để kích cầu thị trường" - ông Hà nói.
Trong khi đó, theo bà Võ Thị Ngọc Thúy - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đây là những phương thức cơ bản liên kết giữa doanh nghiệp để kích cầu bằng những sản phẩm trọn gói. Bà Thúy đánh giá đây là cách làm thông minh, việc bắt tay hợp tác sẽ giảm giá trị đầu vào nhưng không làm giảm giá trị tour, thương hiệu của từng đơn vị.
Theo bà Thúy, sau thời gian ngủ đông của ngành du lịch, để sự trở lại tưng bừng hơn, các doanh nghiệp phải gia tăng sự trải nghiệm cho khách hàng với giá khuyến mãi hợp lý, đảm bảo chất lượng. Ở bước chuyển mình trong khó khăn, doanh nghiệp du lịch phải thiết kế gói du lịch giá tốt hơn trước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đặc biệt về thương hiệu.
"Bắt tay" để "phá băng"
Ông Ngô Minh Đức - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN - đánh giá sự liên kết này sẽ tạo sự nhộn nhịp đi lại bằng đường hàng không, du lịch đón thêm khách tham quan mua sắm... sẽ khiến bức tranh tươi sáng hơn. Theo ông Đức, hiện nay cần phát huy những "bắt tay" giữa doanh nghiệp du lịch với hàng không để kích cầu thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường quốc tế đang "đóng băng".
CÔNG TRUNG |
Sẽ kích cầu du lịch trên toàn quốc
Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vừa đưa vào hoạt động khu vực phục vụ đặc sản của Cần Thơ và miền Tây. Đây sẽ là một trong những điểm mới của du lịch Cần Thơ sau dịch COVID-19 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Sau khi Thủ tướng cho phép mở lại hoạt động du lịch nội địa, lưu ý đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 và không tập trung đông người, ngày 29-4, Tổng cục Du lịch đã ra quyết định ban hành Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ngay sau đó, ngày 1-5, Tổng cục Du lịch quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại hướng dẫn trên nhằm giúp các doanh nghiệp có được chỉ dẫn phòng chống dịch tốt, sẵn sàng mở cửa hoạt động du lịch trở lại.
Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch VN cũng đang tập trung tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị mở cửa trở lại.
Ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch thường trực hiệp hội - cho biết hiệp hội đang tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa mà đơn vị này đã khởi động giai đoạn 1 vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, phải tạm dừng vì dịch bệnh căng thẳng trong tháng 3 và tháng 4.
Dự kiến giai đoạn 2 của chương trình kích cầu du lịch này sẽ được khởi động đầu tháng 5.
Ngày 6-5, Hiệp hội Du lịch sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các hiệp hội trên cả nước để quán triệt về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong hoạt động du lịch.
Cùng với đó bàn việc phối hợp tất cả các địa phương lại để triển khai chương trình kích cầu du lịch toàn quốc chứ không kích cầu từng điểm một, bàn về kế hoạch phối hợp giữa các loại hình du lịch với nhau, sự đóng góp của các tỉnh trong thời gian kích cầu du lịch ra sao...
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch VN cũng đã có thỏa thuận với các hãng hàng không VN để đến trung tuần tháng 5 thì các chương trình kích cầu du lịch bằng giảm giá vé máy bay sẽ ra đời.
"Chúng tôi đang làm việc khẩn trương, không có ngày nghỉ để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch" - ông Bình nói.
THIÊN ĐIỂU |
Như Bình (TTO)