Phường Đống Đa có diện tích 402.43 ha, với hơn 2.093 hộ, trên 8.400 nhân khẩu; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8,81% dân số toàn phường. Phường được chia thành 4 tổ dân phố và 1 làng đồng bào dân tộc thiểu số (làng Kép).
Đa dạng hình thức truyền thông
Theo bà Nguyễn Thị Thân-Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa (TP. Pleiku), để công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả, UBND phường đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền.
Trong đó, tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân thông qua các buổi họp dân, họp chi bộ, các buổi sinh hoạt chuyên đề.
Cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, phường còn thường thường xuyên động viên, khuyến khích và hướng dẫn người nghèo về kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.
Từ đó góp phần giúp người nghèo trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Phường đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của phường, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và người dân về tiêu chí nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững… Đồng thời, tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, chế độ, kế hoạch của phường; giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn phường.
Qua đó, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo trong nhân dân”-bà Thân cho hay.
Ngoài ra, UBND phường phối hợp với Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội từ phường đến các tổ dân phố và làng Kép tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động.
Bà Đặng Thị Mỹ Hiệp-Công chức phụ trách Lao động-Thương binh và Xã hội phường Đống Đa-cho biết: Qua các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Pleiku chung tay vì người nghèo”… đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Nhờ đó, đã huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững, nhất là xã hội hóa các nguồn lực, vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Nghèo giảm, người dân ổn định cuộc sống
Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của phường Đống Đa đã có những kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Nếu như đầu năm 2022 toàn phường còn 4 hộ nghèo, chiếm 0,19% thì đến nay chỉ còn 1 hộ nghèo, chiếm 0,05%; còn số hộ cận nghèo đầu năm 2022 là 14 hộ thì nay giảm còn 7 hộ, chiếm 0,32% dân số.
Cả gia đình ông Rơ Châm Hvin (trú làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) sống dựa vào 1 sào lúa nước 2 vụ và thu nhập ít ỏi từ việc đi làm thuê của vợ mình. Trong khi đó, ông Hvin bị teo chân từ nhỏ, đau ốm thường xuyên, không thể làm việc nặng mà chỉ ở nhà làm rọ bắt cá để bán cho người dân trong làng.
Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời về bảo hiểm y tế, cấp heo sinh sản để phát triển chăn nuôi, xây nhà vệ sinh… từ chính quyền phường đã kịp thời giúp vợ chồng ông Hvin từng bước cải thiện cuộc sống. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình ông Hvin đã thoát nghèo và đang từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Ông Hvin phấn khởi: “Trước đây, đời sống gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập không ổn định. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, các ban, ngành của phường đã hỗ trợ gia đình tôi về heo giống sinh sản, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi nên cuộc sống gia đình dần ổn định hơn. Cùng với đó, phường cũng quan tâm xây cho gia đình tôi căn nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, gia đình được hỗ trợ nhiều mặt khác như vay vốn ngân hàng chính sách, bảo hiểm y tế… Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các cấp và hứa sẽ tiếp tục chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững”.
Tương tự, gia đình anh Rơ Châm Gun (trú làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) đã chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của phường.
Nhìn căn nhà Đại đoàn kết xây cách đây 3 năm, anh Gun nhớ lại: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm và đến động viên, hỗ trợ cho gia đình mình. Trước đây, mình từng ở nhà một năm vì bệnh. Nhà thì nheo nhóc 3 đứa con nên vợ trở thành trụ cột chính, thay mình kiếm tiền. Sau khi phường biết đến hoàn cảnh gia đình, phường đã hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết để cả nhà có cái che mưa, che nắng. Mỗi tháng, phường còn hỗ trợ chi phí học tập cho các con mình với số tiền là 300 ngàn đồng/đứa”.
Đặc biệt, nhờ sự động viên của cán bộ phường, anh Gun mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách để mua heo giống. Sau 4 tháng chăm sóc thì heo đã cho xuất chuồng. Nhờ đó mà vợ chồng anh dành dụm được khoản tiền nhỏ làm vốn. “Hiện mình dự định mua lứa heo mới để duy trì chăn nuôi. Nhà nước đã hỗ trợ nhiều rồi, giờ phải tự lực làm ăn để thoát cái đói, cái nghèo thôi”-Gun bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Thân-Phó Chủ tịch phường Đống Đa-cho biết: Từ những kết quả đã đạt được, phường Đống Đa phấn đấu tới cuối năm 2025 không còn hộ nghèo, hộ tái nghèo. Để đạt được mục tiêu nêu trên, thời gian tới, phường tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo.
Clip: Quang Tấn
Trong đó, tập trung giải quyết cho 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chính sách về y tế cho người nghèo, cận nghèo, đảm bảo các hộ nghèo, cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Khám chữa bệnh và các quy định khác của Nhà nước.
Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt chính sách về giáo dục nhằm đảm bảo cho người nghèo, cận nghèo được miễn, giảm, vay vốn hỗ trợ chi phí học tập và các chế độ khác do Nhà nước quy định. Tăng cường vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ các đối tượng người nghèo, cận nghèo về vật chất, tinh thần để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
“Ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, UBND phường huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, người dân hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo nhằm góp phần hỗ trợ cho các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững”-Phó Chủ tịch phường Đống Đa thông tin thêm.