Trên tuyến sông Sê San hiện nay có 5 nhà máy thủy điện đang vận hành và 1 đang thi công xây dựng. Nếu tính từ thượng nguồn của tuyến sông Sê San (dài 270 km) trở xuống thì có công trình Thượng Kon Tum đang được xây dựng rồi đến Plei Krông, Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành ổn định. Như vậy, công trình thủy điện Plei Krông đang đảm nhận 2 nhiệm vụ quan trọng là phát điện và tích, điều tiết nước cho các công trình thủy điện phía dưới hạ lưu.
Ảnh: Hoàng Anh Phượng |
Còn theo ông Đinh Viết Thiện-Quản đốc phân xưởng vận hành của nhà máy thì: Vào thời điểm này của năm ngoái, mức nước về hồ chỉ trên mực nước chết một chút. Tuy vậy, năm nay mức nước cao hơn 27 mét và đạt dung tích hồ 892 triệu m3/1,048 tỷ m3 dung tích toàn phần. Và theo quy trình điều tiết liên hồ của Chính phủ thì đối với hồ chứa Plei Krông khi đạt 569,5 mét/570 mét mực nước dâng bình thường thì phải dừng đón lũ. Như vậy hồ chứa Plei Krông sẽ xả lũ rất sớm và chắc chắn xả nhiều lần trong mùa mưa này. Khi lưu lượng nước về hồ đạt mức 450 m3/s là xác định có lũ… Từ tháng 6 đến nay, do lượng nước dồi dào nên Nhà máy Thủy điện Plei Krông vận hành liên tục 2 tổ máy và sản lượng điện đã đạt gần 300 triệu kWh/350 triệu kWh sản lượng điện theo chỉ tiêu kế hoạch. Nếu không có chuyện bất thường xảy ra thì chắc chắn trong năm nay, nhà máy sẽ đạt công suất thiết kế với sản lượng 417 triệu kWh điện.
Tuy nhiên năm nay cũng được dự báo có khả năng sẽ có lũ lớn và nguy hiểm. Do giữ vai trò vừa tích vừa điều tiết nước (trong đó có cả điều tiết lũ) cho các nhà máy phía hạ lưu nên phương án phòng-chống bão lụt cũng đã được nhà máy chủ động chuẩn bị. Cũng theo ông Đinh Viết Thiện thì phương án phòng-chống lụt bão với phương châm “4 tại chỗ” đã được sẵn sàng, đó là chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đương nhiên, các phương án phòng-chống bão lụt đã được xây dựng hoàn chỉnh và diễn tập từ tháng 7 vừa qua với 40 người tham gia, trong đó có 10 người được bố trí vào đội xung kích. Những điểm có nguy cơ sạt lở cao, chẳng hạn đường vận hành bờ phải đã được gia cố. Điều được xem là đáng lo ngại hơn cả trong phương án phòng-chống bão lũ là hệ thống xả lũ bị mất điện nhưng hiện nay cũng đã được trang bị nguồn dự phòng bằng máy phát chạy dầu với công suất 300 kW…
Có thể nói rằng, ở thời điểm này, tại Nhà máy Thủy điện Plei Krông khả năng duy trì nhịp điệu sản xuất là rất tốt, chủ động nhưng có phần căng thẳng. Trong phòng điều hành, trưởng ca Đỗ Đức Thành cho biết: Ở đây phải kiểm soát 5 vị trí của nhà máy qua camera, đó là các tổ máy, trạm phân phối, trạm tự dùng xoay chiều, 1 chiều, các trạm bơm... Nói thì đơn giản vậy, nhưng những thông số kỹ thuật báo về thì nhiều và đương nhiên phải hoàn toàn kiểm soát nó, không một chút lơ là, đòi hỏi cả trình độ và trách nhiệm của người canh giữ sự an toàn của cả nhà máy khi vận hành…
Một câu trả lời rất tự tin của các cán bộ, kỹ sư, công nhân vận hành Nhà máy Thủy điện Plei Krông là: Nếu không có sự bất thường quá lớn của mùa bão lũ năm nay thì khả năng đạt trên 400 triệu KWh điện, vượt xa chỉ tiêu sản lượng điện được giao là điều chắc chắn và cũng rất vui khi điều kiện tích nước phục vụ việc phát điện của các nhà máy thủy điện trên tuyến Sê San cho mùa khô sang năm cũng rất thuận lợi, điều đó đã nhìn thấy từ bây giờ.
Hoàng Anh Phượng