(GLO)- Chiều 21-9, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi khảo sát thực tế tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku) về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 859/NQ-UBTVQH14 ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ dân phố theo Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh, bộ máy hành chính phường Chi Lăng (sáp nhập xã Chư Hdrông và phường Chi Lăng) đã đi vào hoạt động ổn định, nền nếp. Đội ngũ cán bộ, công chức của phường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước được nâng cao và đạt được mục tiêu đề ra.
Quang cảnh buổi khảo sát thực tế tại phường Chi Lăng. Ảnh: Quang Tấn |
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đúng quy trình, đảm bảo thời gian. Theo đó, số cán bộ, công chức dôi dư được điều động bố trí công tác khác là 4; số cán bộ, công chức dôi dư được giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ là 9 với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố sau sáp nhập là 15; số người trực tiếp tham gia công việc ở tổ dân phố là 25; số người đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ dôi dư là 4 với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng. Nhìn chung, sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và thôn, làng, tổ dân phố, số lượng người hoạt động không chuyên trách giảm nên chi ngân sách giảm; đồng thời, phát huy vai trò tự quản, hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư…
Tại buổi khảo sát thực tế, đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được của phường Chi Lăng sau khi thực hiện sáp nhập. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất cũng như những khó khăn, vướng mắc hiện nay của phường để làm cơ sở làm việc với UBND TP. Pleiku trong buổi giám sát tiếp theo.
QUANG TẤN