Ngày nào cũng vậy, từ 14 giờ trở đi, không khí tại hội trường tổ dân phố 2 (phường Hoa Lư) lại bắt đầu nhộn nhịp. Người dân trên địa bàn theo môn thể thao sở trường của mình lần lượt đến tham gia tập luyện, vui chơi. Ông Lê Đình Thắng-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 2-cho biết: Phong trào tập luyện TDTT được duy trì gần 10 năm nay và ngày càng có sức lan tỏa. Tại hội trường tổ dân phố hiện có 1 sân bóng chuyền, 2 sân bóng bàn và 1 gian phòng rộng, cơ bản đủ không gian cho 3 câu lạc bộ (CLB) thể thao duy trì hoạt động thường xuyên, gồm: khiêu vũ (sinh hoạt từ 14 giờ đến 17 giờ hàng ngày), bóng bàn (từ 15 giờ 30 phút đến 19 giờ hàng ngày), dân vũ (tập luyện từ 19 giờ đến 21 giờ các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong tuần) và 1 CLB bóng chuyền hơi dành cho nữ dự kiến thành lập trong thời gian đến.
“Không chỉ rèn luyện, nâng cao sức khỏe, việc đẩy mạnh các hoạt động TDTT còn giúp người dân trong tổ tăng cường mối quan hệ giao lưu, đoàn kết”-ông Thắng nhìn nhận.
Các thành viên CLB Bóng bàn tổ dân phố 2 (phường Hoa Lư) tập luyện tại hội trường tổ dân phố. Ảnh: H.T |
Theo ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND phường Hoa Lư: Tại các khu dân cư trên địa bàn phường, phong trào TDTT quần chúng diễn ra khá sôi nổi, thu hút đa dạng đối tượng tham gia. Trên địa bàn phường hiện có 2 CLB bóng đá cộng đồng, 4 CLB bóng bàn, 3 CLB cầu lông, 10 CLB dân vũ, 1 CLB dưỡng sinh… Hầu hết các làng, tổ dân phố đều tận dụng không gian của hội trường, khu vực đất trống để làm sân tập luyện TDTT.
Cùng với đó, các địa điểm TDTT tư nhân (2 sân bóng đá, 2 sân cầu lông, 1 sân tennis, 1 sân quần vợt, 1 hồ bơi, các cơ sở tập gym, yoga) trên địa bàn cũng được nhiều người dân tìm đến tập luyện theo nhu cầu. Bên cạnh tập luyện tự do, giữa các khu dân cư hay giữa các xã, phường với nhau cũng thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Qua thực tế triển khai, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở TP. Pleiku đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Mỗi người dân tự lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe để tập luyện, hình thành nhiều CLB thể thao cùng sở thích.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Để đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, những năm qua, thành phố luôn chú trọng đầu tư, xây dựng các công trình thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Hiện nay, toàn thành phố có 45 sân bóng đá, trên 80 sân bóng chuyền, 20 sân quần vợt, 10 điểm sinh hoạt bóng bàn, 23 hồ bơi, 4 sân bóng rổ...
Các hình thức tập luyện TDTT đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang-thiết bị, như: chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền... phát triển mạnh ở hầu hết các xã, phường. Số lượng người tập TDTT thường xuyên trên địa bàn đạt 39,5%; số hộ gia đình tham gia tập luyện TDTT đạt 29,5%.
Các vận động viên thi đấu môn Đẩy gậy tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao thanh niên các làng đồng bào dân tộc thiểu số TP. Pleiku năm 2023. Ảnh: Mộc Trà |
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ…) cũng được địa phương chú trọng. Mới đây, Ngày hội Văn hóa-Thể thao thanh niên các làng đồng bào dân tộc thiểu số do UBND thành phố tổ chức đã thu hút 1.000 nghệ nhân và vận động viên đến từ 28 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia.
Là một trong những thành viên góp công mang về giải nhất toàn đoàn cho làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ), anh Y Khum phấn khởi nói: “Tôi rất vui khi giành được huy chương vàng môn đẩy gậy ở hạng 63 kg. Ngày hội thực sự vô cùng ý nghĩa khi không chỉ giúp chúng tôi có điều kiện gìn giữ, phát triển các môn thể thao truyền thống dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện TDTT, nâng cao sức khỏe người dân ở các làng”.
Nói về định hướng trong thời gian tới, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho hay: Thành phố sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT với khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; nhân rộng phong trào TDTT gắn kết với các chương trình, cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến cơ bản về ý thức tập luyện TDTT cho mọi đối tượng. Cùng với đó, tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa-thể thao; ưu tiên đầu tư, phát triển một số môn thể thao truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động thể thao tại cộng đồng.