Du lịch

Hành trang lữ hành

Pleiku dốc phố, hàng cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đến Pleiku vào năm 1977. Bấy giờ, Phố núi hãy còn hoang sơ lắm và ấn tượng đầu tiên trong tôi là những con dốc dài cùng màu xanh của cây cối.
Còn nhớ, buổi chiều sau khi nhận quyết định phân công công tác, tôi thong thả dạo bước từ văn phòng cơ quan ra đường ngắm phố. Đường Trần Hưng Đạo, đường Quang Trung hàng thông xanh rợp bóng mát, mặt trời như ở tít tận đâu. Tôi xuôi bước đến ngã ba Diệp Kính, nhìn xuống con dốc Hội Phú cứ ngỡ như ai mắc võng trăm năm. Chiều xuống, sương giăng bàng bạc trên những ngọn thông và hơi sương bay nhạt nhòa trong không gian dường như có màu tim tím. Cửa kính những ngôi nhà dọc hai bên đường Phan Đình Phùng, Lê Lợi… phủ ướt lớp mù sương nhạt nhòa. Tôi mặc cho những hạt nước li ti bám trên mặt, trên quần áo để nghe cảm giác lành lạnh cao nguyên thấm dần. Cái cảm giác mới lạ tôi chưa gặp bao giờ, dẫu vùng đồng bằng duyên hải quê tôi cũng có những ngày đông, mưa phùn, sương giăng nhưng không có hơi lạnh nhè nhẹ, se se, ngòn ngọt, mơn man thấm dần qua da thịt như buổi chiều mùa hè Phố núi…
Đã có nhiều ca khúc viết về Pleiku nhưng với tôi thì bài “Còn chút gì để nhớ” lời thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc luôn mang đến những rung động, bâng khuâng. Có lẽ bởi bài thơ tả đúng cảnh Phố núi những năm 70 của thế kỷ trước và nhịp 3/4 nhẹ êm, dịu dàng như nói thay tâm trạng lữ khách: “Phố núi cao, phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống”… và “Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…”. Phải chăng những hàng thông xanh và buổi chiều sương mù luôn cho chúng ta cảm giác không gian Pleiku gần như là mùa đông quanh năm tưởng cũng không có gì là lạ?
Dốc Lò Bò (đường Thống Nhất ngày nay). Ảnh: Nguyên Võ
Dốc Lò Bò (đường Thống Nhất ngày nay). Ảnh: Nguyên Võ
Dốc phố như mang đến cho Pleiku một dáng vẻ vừa trầm mặc, kiêu kỳ, vừa thâm nghiêm bởi muốn ngắm hàng phố thì phải cất công leo dốc và ở góc nhìn nào, dù lưng chừng hay trên đỉnh dốc, Phố núi luôn tạo ra những bất ngờ cho lữ khách phương xa. Và các thung lũng sương giăng, những sườn đồi tràn ngập dã quỳ vàng rực cuối thu. Nhớ ngày ấy, những chuyến xe lam ba bánh nối Bến xe liên tỉnh (địa điểm bây giờ là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai) với Bến xe nội thị, lên dốc Diệp Kính hay dốc ngã ba Phù Đổng đều ậm ì nhả khói, hành khách phải nhảy xuống phụ đẩy xe bò từ từ lên dốc. Nhiều con đường nội thị vẫn còn là đường đất đỏ, hằn giữa nền xanh của vườn nhà trong phố. Ngày trước, Vũ Hữu Định viết “đi dăm phút đã về chốn cũ” có lẽ nhà thơ chỉ dạo vài con phố chính mà thôi, bởi lần đầu lên Pleiku, tôi đi đến mỏi chân mà vẫn chưa hết một nửa vòng Phố núi! Con dốc làm cho những ngôi nhà bên đường cũng trở nên nhấp nhô, nhà trên nhìn xuống mái nhà bên dưới, nhiều tầng lớp cho đến khi xuống tận thung lũng mới thôi.
Quả thật dốc phố như là một “đặc sản” của Pleiku. Quốc lộ 14 đưa du khách đến hai đầu Phố núi là hai con dốc: Hàm Rồng và dốc cầu số 3, đoạn từ ngã ba Vạn Kiếp lên dốc Phạm Văn Đồng. Phía Quy Nhơn lên là dốc ngã ba đi Biển Hồ. Vào phố là dốc võng Hội Phú, dốc võng Nguyễn Tất Thành, dốc võng Nguyễn Tri Phương, dốc Cầu Sắt đường Cách Mạng Tháng Tám, dốc Lò Bò (đường Thống Nhất bây giờ), dốc Chu Mạnh Trinh, dốc đường Wừu đoạn ngã ba giáp với Nguyễn Thái Học, dốc Nguyễn Văn Cừ đoạn qua ngã tư và lên đồi Pháo binh, dốc Phan Đình Phùng đoạn gần Trường Tiểu học Chu Văn An và đoạn gần cầu treo, dốc Lê Thánh Tôn đoạn lên Trường Lâm nghiệp, dốc Huyền Trân Công Chúa, dốc Phan Đình Giót, dốc Đống Đa, dốc Đồng Tiến đoạn qua Công viên Diên Hồng... Phố núi với những khoảnh đất trống ven các con dốc là màu vàng dã quỳ, trắng nhạt xuyến chi, lướt thướt cỏ đuôi chồn hồng mùa khô… Áo ấm, khăn quàng, mũ len và những dáng người lom khom chậm bước lên con dốc là hình ảnh quen thuộc của Phố núi một thời… Tất cả tạo cho Pleiku một dáng vẻ riêng, hút hồn du khách mỗi khi có dịp đến đây!
Sau nửa thế kỷ, Pleiku ngày nay thay đổi nhiều. Không còn là thị xã đất đỏ bụi mù như trước mà là đô thị hiện đại với những đại lộ thênh thang nội thành, cũng không còn những ngôi nhà mái tôn lụp xụp núp dưới bóng thông già mà là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự sang trọng. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa cũng làm ảnh hưởng dáng vẻ độc đáo của Phố núi. Những hàng cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Hùng Vương… còn lại rất ít. Bây giờ thì Phố núi đã thêm nhiều chủng loại cây xanh mới, phong phú như bằng lăng tím, osaka, hoa sữa, dầu, viết, muồng vàng… Thế nhưng, những cư dân Phố núi có “thâm niên” như tôi không khỏi bâng khuâng, tiếc nuối dáng thông, dẫu vẫn còn đó ít nhiều ở Công viên Diên Hồng và Quảng trường Đại Đoàn Kết. 
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm