Kinh tế

Pleiku: Nông dân tất bật cho vụ rau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ rau xanh luôn có chiều hướng tăng mạnh. Những ngày này, nhờ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trên địa bàn TP. Pleiku đang tất bật xuống giống, chăm sóc vườn rau để kịp cung ứng cho thị trường.
Cặm cụi chăm sóc luống rau cải thảo đang lên xanh mướt, bà Nguyễn Thị Tưởng (tổ 3, phường Thống Nhất) cho hay: Những năm trước, bà con nông dân khu vực này chủ yếu trồng xà lách và cải thìa để bán Tết nên sản lượng cung luôn vượt cầu, dẫn đến giá bán rất thấp. Rút kinh nghiệm, năm nay, người dân không trồng chuyên một loại rau nữa mà trên diện tích đó trồng mỗi loại một ít để đảm bảo đầu ra ổn định.
Nông dân xã Trà Đa chăm sóc vụ rau Tết. Ảnh: V.T
Với hy vọng tăng thêm thu nhập, sau khi thu hoạch đậu cô ve, gia đình ông Đoàn Văn Hồng (thôn 1, xã Trà Đa) tranh thủ làm đất để kịp xuống giống các loại rau ngắn ngày như: cải xanh, cải cúc... để kịp bán Tết. Còn bà Tôn Thanh Thảo (thôn 1, xã Trà Đa) cũng khá nhanh nhạy nắm bắt quy luật cung-cầu: “Trồng rau bán dịp Tết mang lại nguồn thu nhập lớn. Để tránh tình trạng nguồn cung thừa, ngoài 3 sào đậu cô ve, hành lá thu hoạch vào đúng mấy ngày Tết, cách đây nửa tháng, tôi mới xuống giống thêm 1 sào cà rốt để bán sau Tết, vì lúc này giá thường cao hơn. Đồng thời, gia đình tôi cũng dành một phần diện tích để trồng thêm hoa lay ơn với hy vọng tăng thêm thu nhập. Năm ngoái dù không thuận lợi bằng năm nay nhưng sau khi trừ chi phí gia đình tôi cũng lãi hơn 30 triệu đồng”.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Pleiku, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 587 ha rau, đậu các loại, tập trung ở các xã: An Phú, Chư Á, Trà Đa và các phường: Hoa Lư, Thống Nhất, Trà Bá. Trong đó, 15 ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Phan Thị Hoài Thương-chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho biết: Để đẩy mạnh phát triển các cây rau màu có giá trị kinh tế cao, Phòng đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân. Trong 2 năm qua, Phòng đã tổ chức tập huấn đào tạo kiến thức và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 100 hộ dân trồng rau tại 2 xã An Phú và Trà Đa. Hiện Tổ sản xuất rau VietGAP Phú An (xã An Phú) với diện tích 4,2 ha và Tổ sản xuất rau VietGAP Thôn Tôi (xã Trà Đa) với diện tích 5,5 ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Đoàn Khắc Châu-thành viên Tổ sản xuất rau VietGAP Thôn Tôi-cho biết: Để phục vụ thị trường dịp Tết, các thành viên tổ sản xuất đã triển khai xuống giống rau cải, cà rốt, hành lá, dưa leo, khổ qua… Các hộ tham gia tổ sản xuất luôn tuân thủ các quy định về quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu, tổ sản xuất chỉ có 11 hộ tham gia nhưng đến nay đã có hơn 50 hộ. Anh Châu cho biết thêm: “Đa phần nông dân trồng rau ở đây gắn bó với nghề này hàng chục năm. Tuy nhiên, để có thêm nguồn thu, cứ đến vụ Tết, bà con lại dành một phần diện tích để chuyển sang trồng hoa lay ơn. Sau Tết, bà con mới trồng rau trở lại”.
Thời điểm này, trên các ruộng rau, không khí sản xuất đang hối hả, tất bật. Theo các nhà vườn, giá bán nhiều loại rau đang ở mức cao, thời tiết lại khá thuận lợi nên các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến năng suất sẽ cao hơn các vụ khác trong năm.
Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm