Giáo dục

Tin tức

Pleiku quan tâm xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), lớp xóa mù chữ đã được khai giảng ở các xã, phường.

Gần 1 tháng qua, đều đặn vào 18 giờ từ thứ hai đến thứ sáu, bà Ksor H'Luaih (làng Mơ Nú, xã Chư Á) gác hết mọi công việc để đến Trường Tiểu học Lê Lai học chữ. “Tôi đã thuộc được bảng chữ cái, biết ghép một số vần với nhau và viết được tên mình rồi đấy. Đi học biết chữ nên chúng tôi vui lắm. Ai cũng bảo nhau cố gắng học để sau này khi buôn bán, ký giấy tờ không cần phải điểm chỉ tay, cũng chẳng sợ bị người xấu lừa nữa”-bà H'Luaih nói.

Các lớp xóa mù chữ thu hút đông đảo người dân đến học tập. Ảnh: Mộc Trà
Các lớp xóa mù chữ thu hút đông đảo người dân đến học tập. Ảnh: Mộc Trà



Trường Tiểu học Lê Lai là 1 trong 7 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Pleiku thực hiện nhiệm vụ dạy xóa mù chữ cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo thầy Lê Minh Tùng-Hiệu trưởng nhà trường, trước đó, đơn vị phối hợp cùng UBND xã Chư Á tiến hành rà soát số lượng người DTTS mù chữ và tái mù chữ ở độ tuổi 15-60 trên địa bàn; đồng thời, vận động bà con tham gia học tập. “Ngày 14-11, lớp khai giảng với 17 người ở 2 làng Mơ Nú và Bông Phung đến lớp. Sau đó, sĩ số lớp học tăng lên 23 người. Lớp xóa mù chữ sẽ kéo dài 42 tuần, tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông lớp 1, 2 và 3. Vì vậy, nhà trường đã phân công giáo viên dạy các khối lớp này tham gia dạy xóa mù chữ”-thầy Tùng thông tin.

Đảm trách giảng dạy chương trình lớp 1, kiêm vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Lê Lai, cô Đỗ Thị Lan phấn khởi nói: “Bà con rất ít khi nghỉ học; có người còn dắt theo con, cháu đến lớp để trông coi. Thậm chí, khi buổi học kết thúc, họ còn năn nỉ tôi dạy thêm. Nhiều người tiếp thu bài nhanh và viết chữ khá đẹp. Hy vọng, sau khóa học này, bà con có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động sản xuất hay công việc cần đến con chữ; đồng thời, nắm và hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng) hiện có trên 30 người dân làng Ia Lang theo học. Bà H'Tinh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Lang-cho hay: Cả làng có 310 hộ/1.366 khẩu. Qua điều tra sơ bộ có khoảng 100 người không biết chữ. Khi chúng tôi phối hợp với xã và Trường Tiểu học Ngô Quyền vận động họ đi học xóa mù chữ, nhiều người tỏ ra e dè vì sợ không tiếp thu được kiến thức. Tuy nhiên, sau một thời gian tới lớp, dưới sự chỉ dạy tận tình của các cô giáo, bà con rất thích thú và rủ nhau đi học đông hơn. Đây sẽ là cơ hội tốt để làng từng bước nâng cao trình độ dân trí.

 Học viên lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng) phấn khởi nhận sách giáo khoa và dụng cụ học tập do thành phố hỗ trợ. Ảnh: Mộc Trà
Học viên lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng) phấn khởi nhận sách giáo khoa và dụng cụ học tập do TP. Pleiku hỗ trợ. Ảnh: Mộc Trà


Còn cô Lâm Thị Liệu thì chia sẻ: “Tôi là 1 trong 14 giáo viên được Ban Giám hiệu phân công giảng dạy lớp học xóa mù chữ. Vì học viên là người DTTS, đa số đều chưa từng biết mặt chữ, con số nên khi giảng dạy, chúng tôi phải kiên nhẫn và thường xuyên động viên, khuyến khích để họ yên tâm học tập. Mục tiêu cuối cùng là giúp bà con biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính đơn giản”.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku-cho biết: Phòng được giao nhiệm vụ chủ trì, hướng dẫn các xã, phường, trường học rà soát số lượng người mù chữ tại địa phương mình; vận động người dân đi học và đăng ký nhu cầu mở lớp. Kết quả, có 172 người đăng ký tham gia. Thành phố cũng đã phê duyệt và hỗ trợ 156 triệu đồng để mở 8 lớp xóa mù chữ trong năm 2022. Ngày 14-11 vừa qua, 4 lớp xóa mù chữ đã đồng loạt khai giảng tại xã Gào (Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Đôn), xã Chư Á (Trường Tiểu học Lê Lai), xã Biển Hồ (Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu) và phường Chi Lăng (Trường Tiểu học Ngô Quyền) với tổng cộng 116 học viên ra lớp; trong đó, người lớn tuổi nhất là 58 tuổi. Dự kiến tháng 1-2023, lớp xóa mù chữ tiếp theo sẽ mở tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Tân Sơn) với 18 học viên.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm