Kinh tế

Pleiku tất bật mùa hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ruộng hoa bạt ngàn xanh mướt, vươn mình dưới tiết trời se sắt lạnh của Phố núi cuối đông. Bóng người ẩn hiện giữa các luống hoa, tỉ mẫn cắt cành, tỉa lá, tưới nước hay chỉnh trang lại dáng dấp cho “những nàng xuân” thêm đẹp và bắt mắt. Tất cả tạo nên hơi thở rất riêng khiến lòng người thêm chộn rộn: Tết đang đến rất gần…

An Phú, Chư Á, Hoa Lư, Trà Đa… vẫn là những vựa hoa chính của TP. Pleiku mỗi dịp xuân về. Và thời điểm hiện tại, khi Tết cổ truyền chỉ còn hơn một tháng, không khí chộn rộn chuẩn bị hoa Tết lại bao trùm khắp mọi ngõ ngách, tràn ngập từ nhà ra đồng.

 

Gia đình chị Thủy đang bón phân và xới đất cho vườn lay ơn. Ảnh: Hồng Thi
Gia đình chị Thủy đang bón phân và xới đất cho vườn lay ơn. Ảnh: Hồng Thi

Năm nay, nông dân An Phú vẫn trung thành với các loại hoa vốn đã là truyền thống của vùng này như: lay ơn, loa kèn, huệ… Trong đó, lay ơn vẫn được người dân nơi đây trồng nhiều nhất bởi dễ chăm sóc, tỷ lệ trổ hoa cao, lại được thị trường ưa chuộng. Thời tiết dù nắng ít mưa nhiều, song cũng không ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của hoa.
 

Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 8, xã An Phú) cho biết: “Với 800 m2 đất, Tết năm nào gia đình tôi cũng trồng lay ơn để đóng bán sỉ ra Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và một phần cho Pleiku. Với giá 2.500 đồng/cành, trừ chi phí, năm ngoái gia đình tôi cũng thu được khoảng 30 triệu đồng/vụ. Thời gian này đang là lúc tiến hành bón phân và xới đất để cây tăng trưởng tốt hơn”.

Với kinh nghiệm 4 năm thực hiện mô hình trồng hoa trong nhà lồng, ông Võ Đăng Hùng (thôn 11, xã An Phú) đã xây dựng được một vườn hoa đa dạng, phong phú về chủng loại chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết. 4.000 cây cát tường (trắng viền tím, trắng viền hồng, xanh bơ, đỏ mật); 6.000 cây cúc điện (saphia, vàng đồng, thạch bích, farm…); 400 hoa bi bi (ngàn sao); khoảng 600 cây lay ơn đỏ mật, đỏ tai vuông… đang được ông trông nom, chăm sóc cẩn thận, chờ ngày chúng phô sắc khoe hương.

 

Cố định cành cho cúc. Ảnh: Hồng Thi
Cố định cành cho cúc. Ảnh: Hồng Thi

“Những năm gần đây, cúc điện được rất nhiều người lựa chọn nên tôi cũng đầu tư trồng với số lượng lớn. Với loại hoa này, người trồng có thể chủ động thay đổi chu kỳ ra hoa theo mong muốn thông qua việc kéo dài hay rút ngắn thời gian thắp điện cho hoa. Vì vậy, chuyện hoa không nở kịp để bán trong dịp Tết là điều chẳng phải lo lắng”- ông Hùng nói.

Còn với những người trồng cúc chậu (pha lê, đại đóa), những ngày này là lúc họ tất bật cắm tre, cột kẽm để cố định cành và chỉnh dáng cho hoa. Anh Thừa, người có thâm niên hơn chục năm làm nghề tại thôn 5, xã An Phú, cho hay rằng, 500 chậu cúc của anh năm nay gần như đều phát triển tốt, đẹp mắt, sẵn sàng chờ xuân về.

 

Cùng với đó, không khí tại các nhà vườn trồng hoa công nghệ cao thuộc phường Hoa Lư và phường Phù Đổng cũng không kém phần nhộn nhịp. Những chậu hoa nhỏ nhắn, căng tràn nhựa sống như: mai ngọc thảo, dạ uyên thảo, ngọc xiêm, chuông, thanh trúc, sushi, dừa cạn, cẩm chướng… được xếp ngay ngắn, thẳng tắp trước và sau khuôn viên nhà. Riêng các loại hoa truyền thống từ xưa đến nay (vạn thọ, hướng dương, mào gà…) thì chỉ còn được trồng rải rác ở một số hộ gia đình. Thị trường ngày càng “bỏ bê” chúng, diện tích gieo trồng vì thế cũng thu hẹp dần.
 

Người trồng hoa đang kỳ vọng vào một vụ hoa bội thu, được giá. Ảnh: Hồng Thi
Người trồng hoa đang kỳ vọng vào một vụ hoa bội thu, được giá. Ảnh: Hồng Thi

Theo nhận định của nhiều người trồng hoa, năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão khiến những vựa hoa ở miền Trung không sản xuất được hoặc bị thiệt hại. Điều đó dẫn đến lượng hoa phục vụ thị trường Tết ở các địa phương này cũng như trong khu vực sẽ giảm sút đáng kể. Giá cả hoa, nhờ thế, có khả năng đẩy lên cao hơn so với mọi năm. “Dù hoa vẫn còn nhỏ nhưng nhiều bạn hàng ở Bình Định, Quãng Ngãi đã gọi điện cho chúng tôi đặt hàng vì sợ thiếu hoa cung ứng cho ngày Tết”-ông Hà Văn Tiếp (thôn 1, xã Chư Á) phấn khởi nói.

Tuy nhiên, bên cạnh sự kỳ vọng khả quan vào giá cả thị trường trong tương lai, nhiều nông dân cũng đang phải đối mặt với bao nỗi lo trước mắt. Ông Hùng chia sẻ: “Hoa càng đẹp thì càng kiêu, khó chăm lắm. Cúc điện thì sâu bệnh nhiều, nhất là nấm cóc, để phòng trừ bệnh thì phải phun thuốc liên tục 3 ngày một lần. Còn cát tường thì đại cực nhọc, bỏ vốn nhiều, chăm mà không kỹ là chết rũ, chết xanh ngay, bi bi cũng thế. Cả vườn từ lúc trồng tới giờ chết gần 200 cây rồi”.

 

Những loài hoa truyền thống chỉ còn được trồng rải rác. Ảnh: Hồng Thi
Những loài hoa truyền thống chỉ còn được trồng rải rác. Ảnh: Hồng Thi

Còn ông Tiếp thì đang rầu rĩ vì lay ơn năm nay mua trúng giống non củ, cây sinh trưởng yếu, xiêu vẹo và rễ không phát triển được, gây thiệt hại 50-60%. Trong khi đó, mặt hàng cúc điện lại thiếu giống, không đủ để trồng theo nhu cầu của gia đình như mọi năm. Và đây cũng là tình trạng chung mà nhiều hộ trồng hoa tại thôn 1, xã Chư Á gặp phải. Mặc dù vậy, người dân nơi đây vẫn đang dần khắc phục bằng cách trồng thêm các loại hoa ngắn ngày khác để thay thế; đồng thời, tích cực chăm chút cho số còn lại nhằm đảm bảo nguồn cung hoa Tết cho thị trường Pleiku cũng như các vùng, địa phương lân cận.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm