(GLO)- Đêm 29, rạng sáng 30 Tết, chợ đêm Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn tất bật cảnh bán mua. Bên ngồn ngộn hàng hóa các loại, phiên chợ cuối cùng của năm Canh Tý này cùng bày ra lắm nỗi buồn vui.
0 giờ sáng 30 Tết, cả thành phố đã chìm trong giấc ngủ. Thế nhưng, ở khu vực chợ đêm TP. Pleiku, phiên chợ mới chính thức bước vào thời điểm náo nhiệt nhất. Nơi đây đang diễn ra phiên chợ đêm cuối cùng của năm Canh Tý.
Trái cây là một trong những mặt hàng được bày bán nhiều nhất trong phiên chợ đêm 29, rạng sáng 30 Tết. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Phiên chợ đếm cuối năm luôn là phiên chợ lớn nhất bởi tập trung lượng hàng hóa khổng lồ để phân phối đi khắp nơi. Từ hoa quả, rau củ, thịt, cá…được bày la liệt khắp các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thiện Thuât, Lê Lai mang về một sắc xuân đặc trưng cho Phố núi Pleiku. Những hàng hóa từ nơi đây rồi sẽ theo các chuyến xe len lỏi đến các chợ huyện để làm nên cái Tết đủ đầy cho các gia đình.
Không chỉ bán mua, nhiều người còn chọn chợ đêm Pleiku làm điểm du xuân trong ngày cuối năm. Chị Trần Thị Huệ (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã chuyển vào sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mỗi năm quê ăn Tết, chị đều đến chợ đêm để "tận hưởng" không khí bán mua tấp nập của phiên chợ cuối năm.
“Chợ đêm TP. Pleiku bán rất nhiều sản vật đặc trưng mà một số nơi khác không có. Cuối năm, tôi cũng tranh thủ mua sắm một chút hoa quả, thịt cá cho mâm cỗ ngày Tết. Nhưng thực ra việc mua sắm chỉ là phụ, quan trọng nhất là cảm nhận được hương vị mùa xuân ở quê hương. Các con tôi bình thường ngủ từ khá sớm nhưng biết được đi chợ đêm, chúng cứ nằng nặc đòi đi theo”-chị Huệ tâm sự.
Rất nhiều thịt được bày bán tại chợ đêm. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Để đủ cung cấp đi các nơi, tiểu thương tại chợ đêm đã phải tăng cường thêm khối lượng hàng hóa lớn hơn rất nhiều so với ngày thường. Bà Hồ Thị Bảy-một chủ sạp bán thịt heo-hồ hởi cho biết: “Thường ngày tôi chỉ nhận 3-4 con từ lò mổ nhưng hôm nay phải nhập đến 6-7 con mới đủ bán. Năm nay, kinh tế khó khăn nhưng lượng tiêu thụ thịt heo vẫn lớn vì mọi người ai cũng muốn dự trữ cho những ngày Tết. Vì các lò mổ báo tăng giá nên giá thịt heo cũng tăng đôi chút so với ngày thường. Cuối năm rồi ai cũng muốn việc buôn bán hanh thông, khởi sắc hơn để chuẩn bị đón Tết”.
Một cái Tết đìu hiu cho những người làm nghề xe thồ chở hàng. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Vì đang trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó, lượng hàng hóa tập trung tại chợ đầu mối này có phần giảm so với mọi năm. Không khó để bắt gặp những tiểu thương hay người làm nghề bốc vác thở buồn bã bởi một cái Tết bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Ngồi thẫn thờ bên bếp lửa nho nhỏ ở một góc chợ đêm, ông Nguyễn Văn Đặng-một người hành nghề xe thồ chở hàng-chia sẻ: “Năm nay, hàng hóa tập kết về chỉ bằng hơn một nửa các năm trước nên ngay cả những xe thồ như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Hồi trước, mỗi đêm dịp cận Tết có thể kiếm được 500-700 ngàn đồng nhưng nay nhiều lắm được 200 ngàn. Gần 60 tuổi rồi, tôi cũng muốn nghỉ ngơi nhưng hoàn cảnh khó khăn nên phải bám trụ thôi. Hàng chục năm gắn bó ở chợ đêm này mới thấy năm nay đìu hiu vậy. Hy vọng năm mới sẽ không còn dịch bệnh để mọi thứ trở lại như bình thường”.
Nhiều người buồn bã vì một cái Tết có phần ảm đạm do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Phiên chợ cuối cùng của năm Canh Tý cũng là phiên chợ đặc biệt nhất từ trước đến nay bởi lần đầu tiên bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Rất đông người tập trung ở khu vực này khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan cao. Theo quan sát của P.V, hầu hết người dân đều tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch bệnh.
LÊ VĂN NGỌC