Sáng 16-4, hình ảnh hàng đoàn xe đạp diễu hành tại Giải Marathon xe đạp (hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”) đã khuấy động không khí yên ắng đầu ngày. Các đại biểu và đông đảo học sinh của 19 trường THCS trên địa bàn thành phố cùng đạp xe trên các tuyến phố chính nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về loại phương tiện giao thông bền vững, thân thiện với môi trường.
Đúng như nhận xét của ông Kim Beng Lua-cán bộ cấp cao của Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP), đơn vị đồng hành cùng dự án: “Điều này đặc biệt phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nhất là về “xanh hóa” lối sống”.
Cùng thời điểm, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết diễn ra chương trình chạy đồng hành “Vì bình yên biên giới” do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai phối hợp cùng Câu lạc bộ Gia Lai Marathon và các đơn vị liên quan tổ chức, thu hút gần 500 vận động viên (VĐV) trong và ngoài tỉnh. Cả thành phố rộn ràng, náo nức với các sự kiện thể thao quy mô.
Các VĐV sải bước trên đường chạy bờ kè suối Hội Phú tại Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng lần thứ 43-2023. Ảnh: Hà Phương |
Cũng trong tháng 4, thời điểm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước, Pleiku còn đón các VĐV của Giải Đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 35 với khẩu hiệu “Non sông liền một dải-Niềm tin chiến thắng” vào trưa 14-4. Còn vào sáng 9-4, lễ phát động Giải Chạy BIDV Run với chủ đề “Cho cuộc sống xanh” tại khu đô thị suối Hội Phú đã thu hút sự tham gia của hơn 300 VĐV.
Trước đó, sáng 12-3, tại khu đô thị suối Hội Phú, UBND TP. Pleiku đã tổ chức Giải Việt dã truyền thống Kpă Klơng lần thứ 43 và phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe”, quy tụ hơn 500 VĐV. Trong khi đó, Giải Marathon TP. Pleiku diễn ra cuối tháng 12-2022 cũng thu hút hơn 600 người tham gia; đáng chú ý, có cả một số gia đình nhiều thế hệ cùng chạy hưởng ứng một cách vô cùng hào hứng. Nhưng quy mô nhất thì phải kể đến Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 mang thông điệp “Giấc mơ đại ngàn” với sự tham gia của hơn 5.000 VĐV chuyên và không chuyên.
Lâu nay, với Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai cùng Học viện Bóng đá tại Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng, Pleiku đã trở thành một địa chỉ du lịch thể thao được yêu thích. Song phải đến một vài năm trở lại đây thì các bộ môn thể thao mới thực sự và thường xuyên khuấy động bầu không khí của Phố núi.
Ngoài các giải đấu rầm rộ, không khí luyện tập thể thao của người dân cũng ngày càng phát triển thành phong trào rộng khắp, được hưởng ứng mạnh mẽ. Các câu lạc bộ như: Gia Lai Marathon, xe đạp thể thao, cầu lông, bóng bàn… ngày càng thu hút đông đảo thành viên. Sáng sớm và chiều tối, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng hay các hoa viên lớn luôn nhộn nhịp những dòng người chạy bộ, đi bộ, tập luyện các dụng cụ thể thao ngoài trời để rèn luyện sức khỏe. Một không khí năng động, khỏe khoắn, tạo sức hút đặc biệt cho một thành phố đang hướng tới mục tiêu xây dựng “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Trong khi đó, dự thảo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề ra mục tiêu biến Gia Lai thành điểm đến hấp dẫn; tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai phấn đấu trở thành một “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”.
Trong hướng dẫn cập nhật về hoạt động thể chất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, thể thao có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần; đồng thời khuyến nghị người trưởng thành dành ít nhất từ 2,5 đến 5 tiếng đồng hồ mỗi tuần để tập luyện thể thao cường độ vừa phải hoặc mạnh.
Thống kê của WHO cho thấy, 80% số thanh-thiếu niên và 25% số người trưởng thành trên toàn cầu không đáp ứng các khuyến nghị về vận động thể chất, khiến mỗi năm thế giới tổn thất thêm 54 tỷ USD cho chi phí chăm sóc sức khỏe và 14 tỷ USD do giảm năng suất lao động. Theo WHO, riêng việc rời khỏi ghế sofa để vận động và đi lại nhiều hơn có thể giúp ngăn chặn 5 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm.
Có thể thấy, việc tự thân mỗi người dân nhận thức sâu sắc về “xanh hóa” lối sống và chủ động nâng cao ý thức rèn luyện sức khỏe đã biến TP. Pleiku trở thành một điểm đến thân thiện, truyền cảm hứng và tràn đầy năng lượng. Động thái cần thực hiện tiếp theo của chính quyền là cần phối hợp đăng cai thêm những giải đấu lớn, chú trọng tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, từ đó duy trì, thổi bùng khí thế tập luyện để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần. Và cơ hội lớn hơn sẽ đến khi thể thao đồng lòng “bắt tay” với du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.