Xã hội

Pleiku trao sinh kế giúp người nghèo vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP. Pleiku đã hỗ trợ giống vật nuôi, thức ăn gia súc và vật tư nông nghiệp giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Trao sinh kế phù hợp

Chị Rơ Châm Hưnh (làng O Sơr, xã Ia Kênh) cho biết: Năm 2022, gia đình chị tách hộ ra ở riêng. Lúc đó, do con còn nhỏ, đất canh tác ít nên nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào việc làm thuê. Trong năm này, xét thấy gia đình chị thuộc diện hộ nghèo và có nhu cầu làm thuê dọn cỏ vườn cây nên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku hỗ trợ 1 máy cắt cỏ.

“Nhờ chiếc máy cắt cỏ được hỗ trợ, tôi làm thêm với tiền công 200-300 ngàn đồng/ngày. Nguồn thu nhập này không chỉ giúp tôi trang trải cuộc sống trong gia đình mà còn tích lũy mua được gần 150 cây cà phê. Hiện vườn cà phê của gia đình có gần 300 cây. Tôi đã đăng ký thoát nghèo trong năm tới”-chị Hưnh nói.

chi-ro-cham-hunh-dang-su-dung-may-cat-co-duoc-ho-tro.jpg
Gia đình chị Rơ Châm Hưnh (làng O Sơr, xã Ia Kênh) được hỗ trợ 1 máy cắt cỏ làm sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.D

Ông Siu Uich-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Sơr-thông tin: Đời sống của hầu hết người dân trong làng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trong đó, Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã hỗ trợ bò sinh sản, máy cắt cỏ, máy bơm thuốc bảo vệ thực vật theo nhu cầu của từng hộ gia đình. Nhờ có nguồn sinh kế này, đến nay, làng chỉ còn 1 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Những hộ này đang phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong năm 2025.

Còn tại xã Chư Á, khi Tiểu dự án 1-Dự án 3 được triển khai, nhiều hộ chọn chăn nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế. Ông Bing (làng Mơ Nú) cho biết: Vợ chồng ông đều đã hơn 60 tuổi nhưng vì thiếu đất sản xuất nên ai thuê gì làm nấy. Năm 2022, gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để làm sinh kế.

“Vài ba tháng, tôi lại bán phân chuồng cho người trồng cà phê và rau màu cũng được 1-1,5 triệu đồng. Hiện gia đình đã thoát nghèo. Chúng tôi sẽ tập trung chăm sóc bò thật tốt để sớm sinh sản”-ông Bing bộc bạch.

ong-bing-dang-cham-soc-bo-ho-tro-tu-tieu-du-an-1-du-an-3.jpg
Ông Bing chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1- Dự án 3. Ảnh: N.D

Trong giai đoạn 2022-2024, từ nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, phường triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho 156 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ khuyết tật theo nhu cầu của người dân như: hỗ trợ bò sinh sản, heo thịt, gà thịt, thức ăn chăn nuôi, phân bón chăm sóc cây trồng và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều gia đình có động lực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Động lực thoát nghèo bền vững

Đang chăm sóc bê con mới sinh được vài tháng, ông Tái (làng Thung Dôr, xã An Phú) cho biết: Năm 2022, ông được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Đến nay, con bò này đã sinh bê con, đem lại niềm vui rất lớn cho gia đình.

“Từ khi được hỗ trợ bò, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Khi bò mắc bệnh viêm da nổi cục, tôi báo cán bộ xã kiểm tra và tiêm phòng vắc xin. Gia đình đang tiếp tục duy trì gầy đàn để phát triển chăn nuôi”-ông Tái chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Đăng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, trồng cỏ, chăm sóc, phòng bệnh cho bò, heo, gà và hướng dẫn sử dụng, bảo quản máy móc cơ giới nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất, định kỳ vật nuôi của các hộ được hỗ trợ. Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước là động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm