(GLO)- Bên cạnh những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Gia Lai có nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hiện ngành Nông nghiệp và PTNT đã và đang xây dựng đề án kêu gọi đầu tư với chiến lược dài hạn để nâng cao chuỗi giá trị nông sản theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV xác định nhiệm vụ chiến lược là tập trung phát triển mạnh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm. Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh đã triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý…
Các chuyên gia tham quan mô hình vườn tiêu sử dụng phân hữu cơ sinh học ở xã Hbông (huyện Chư Sê). Ảnh: M.T |
Chính vì vậy, các hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng nhà kính, nhà lưới để trồng rau, hoa và các vườn ươm giống... được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chế biến được mạnh dạn đầu tư.
Để tạo bước đột phá theo đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã chủ động kêu gọi nhiều dự án như: dự án xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Đak Pơ, Đak Đoa với quy mô 100 đến 150 ha để thu hút doanh nghiệp; chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết mở rộng sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững. Bên cạnh đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm rau, chè, cà phê, chăn nuôi bò… thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong năm 2016, đã có một số doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh xây dựng dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số này có thể kể đến dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển rau sạch tại TP. Pleiku” của Công ty TNHH một thành viên Đệ Nhất Việt Hàn; đặc biệt là dự án “Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) tại huyện Đak Đoa với quy mô 83,7 ha. Khi hoàn thành dự án với tổng kinh phí đầu tư lên đến 350 tỷ đồng này khi hoàn thành sẽ triển khai hoạt động nhân giống cây trồng bằng kỹ thuật cấy mô, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh vật, cung cấp cho thị trường giống và sản phẩm cây hoa, cây ăn quả, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Gia Lai xác định ứng dụng công nghệ cao chính là yếu tố then chốt tạo ra sự đột phá, tăng tốc trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: sản xuất các sản phẩm từ cao su; chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột; chế biến sản phẩm hồ tiêu; sản xuất thức ăn gia súc. Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng-Vật nuôi; dự án trồng rau an toàn; đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao; khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp trồng trọt hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế; dự án trồng cây dược liệu, chăn nuôi tập trung công nghệ cao… Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT |
Nguồn lực và chính sách phát triển
Thượng tá Võ Trung Hải-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thái Sơn tại Tây Nguyên khẳng định: Địa phương đã mở ra cơ chế rất thoáng, có chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng đầu tư nên doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Gia Lai. “Các thủ tục pháp lý đã hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, chỉ cần tỉnh giải quyết nhanh thủ tục giao đất là đơn vị bắt đầu triển khai thực hiện ngay”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, ngoài việc huy động các nguồn lực, tạo điều kiện cho hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, ngành Nông nghiệp và PTNT còn là cầu nối tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, chuyển giao đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Bá Đàn-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên) nhận định: Nguồn lực, đơn vị nghiên cứu trên địa bàn tỉnh hiện còn hạn chế, đặc biệt là người có chuyên môn cao. Các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm phân tích về dinh dưỡng đất, chẩn đoán sâu bệnh hiện chưa có; nguồn lực có chuyên môn sâu về công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, giống... còn thiếu. “Tỉnh cần có chiến lược thu hút nguồn lực có kinh nghiệm, chuyên môn cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khoa học cây trồng; có hiểu biết về nông nghiệp của khu vực Tây Nguyên, nhất là am hiểu về cây trồng chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, cây ăn quả, hệ thống nông nghiệp, hệ sinh thái…”-Tiến sĩ Đàn đề xuất.
Cũng theo Tiến sĩ Đàn, nguồn lực nghiên cứu khoa học và công nghệ về nông nghiệp hiện chưa đồng bộ. Do vậy, tỉnh phải tạo ra nhiều sân chơi cho nhà khoa học tham gia đầu tư, góp ý tưởng hoặc đề xuất với tỉnh về mặt chiến lược đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; cần có sự gắn kết chuyển giao giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc xây dựng nhiều mô hình định diện để nhân rộng…
Minh Triều