Các bộ, ngành và các địa phương cung ứng hàng hóa cho người dân sắm Tết, đặc biệt là tại các vùng bị thiệt hại do bão, lũ, khó khăn.
Các doanh nghiệp, siêu thị đã chủ động nguồn hàng phục vụ người dân sắm Tết. Ảnh: Vũ Long |
Bình ổn giá, quan tâm đến người nghèo
Theo Bộ Công Thương, phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2021, các địa phương cần chú ý đến đối tượng là người nghèo. Đặc biệt là người dân tại các tỉnh miền Trung vừa trải qua lũ lụt, rất khó khăn, chưa khôi phục được sản xuất.
Theo đó, cần tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ người dân mua sắm Tết, đặc biệt là người dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Dự báo nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng có khả năng tăng sức mua trong dịp cuối năm như: Nông sản khô: Tăng từ 25-33% so với bình thường; xăng dầu: Tăng khoảng 20%; hoa cây cảnh: Tăng khoảng 25-35%...
“Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội khoảng 39.400 tỉ đồng, tăng khoảng 5% so với Tết Nguyên đán 2020. Trong mọi trường hợp, ngành công thương sẽ chủ động điều phối, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ khiến giá tăng” – Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Sở Công Thương Hà Nội cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cũng như chủ động kế hoạch đưa hàng hóa phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, các vùng nông thôn, khu vực xa trung tâm... để người dân ngoại thành cũng có thể sắm Tết đầy đủ, ấm cúng.
Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị khoảng hơn 1.800 tấn gạo, đỗ các loại; khoảng gần 2.500 tấn bánh, kẹo, đường, mứt, càphê, chè; hơn 2.150 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; gần 11.000 tấn thịt, rau, củ quả; 90.000 m³ xăng dầu… với tổng giá trị hàng hóa khoảng gần 3.000 tỉ đồng để phục vụ Tết.
TPHCM cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa cho 2 tháng Tết với tổng kinh phí gần 20.000 tỉ đồng, trong đó nguồn hàng bình ổn giá trên 7.100 tỉ đồng. Các mặt hàng thiết yếu được chuẩn bị với số lượng lớn, như: Gạo 3.943,2 tấn, thịt gia súc: Trên 5.594,4 tấn, thịt gia cầm: Trên 7.4800 tấn, trứng gia cầm: 67,9 triệu quả...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, từ nhiều năm qua, chương trình bình ổn thị trường do ngành công thương TPHCM và các doanh nghiệp như: Co.opmart, Co.opXtra, Satra, Aeon - Citimart, BigC… phối hợp, cam kết giữ ổn định giá.
UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến giao nguồn vốn hỗ trợ 7 tỉ đồng về UBND các huyện, thành phố theo nhu cầu đăng ký của địa phương để thực hiện chương trình bình ổn giá. Thành phố Vũng Tàu cũng đã đưa ra 4 giải pháp để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá thị trường.
Dự báo nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao. Ảnh: Vũ Long |
Các địa phương khác trên cả nước... cũng đã hoàn tất kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hoá thiết yếu để phục vụ cho nhu cầu mua sắm trong dịp Tết, đặc biệt là các khu vực nông thôn, vùng có nhiều công nhân, lao động nghèo.
Quan tâm tạo sinh kế cho người dân
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), để phục vụ nguyên liệu, con giống cho địa phương sản xuất, chủ động nguồn hàng phục vụ Tết, Bộ đã trao tặng 1.100 con gia cầm; 300 tấn thức ăn chăn nuôi; 740 triệu tiền thuốc thú y; 1.500 con cá các loại như: Trắm, rô phi; cá chép bố mẹ đã sẵn sàng sinh sản vào đầu năm 2021 với khoảng 15-16 triệu con giống cho nông dân… Tổng giá trị của đợt chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ lần này gần 1,2 tỉ đồng.
Được biết, hiện tại nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tham gia vào các chương trình vận động đóng góp tiền và hiện vật để hỗ trợ người dân miền Trung ổn định sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các cấp đang nỗ lực chăm lo, không để gia đình nào không có Tết.
Theo Vũ Long (LĐO)