(GLO)- Kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16-7 tới sẽ đề cập tới nhiều nội dung quan trọng. Nhân dịp này, phóng viên Gia Lai Online có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh về một số nội dung liên quan đến kỳ họp.
- PV: Kỳ họp thứ 7-HĐND tỉnh khóa X sẽ bàn tới các nội dung cụ thể nào, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thu. Ảnh: Lê Hòa |
Ông Phạm Đình Thu: Đây là kỳ họp thường kỳ giữa năm, sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng 6 tháng đầu và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp 6 tháng cuối năm 2014.
Đồng thời, bàn và quyết nghị các nội dung do UBND tỉnh trình, gồm: quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình trong năm 2014; quy định về một số loại phí áp dụng trên địa bàn tỉnh, như phí về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; quy định mức chi thực hiện hỗ trợ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh…; xem xét miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh; xem xét báo cáo đánh giá chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2013, định hướng đến năm 2015 và quyết định một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Kỳ họp dành thời gian nghe Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp này; nghe UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và một trong những nội dung đã đi vào nền nếp và được cử tri tỉnh nhà rất quan tâm, đó là HĐND tỉnh chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp.
Kỳ họp thứ 6-HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: Lê Hòa |
- PV: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND các cấp bầu sau khi lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra sự chuyển biến như thế nào trong việc phục vụ của các đại biểu HĐND, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thu: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND các cấp bầu là đúng đắn và cần thiết, phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; có tác dụng kịp thời cảnh báo, nhắc nhở, để cán bộ tự soi mình, tự sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót, góp phần chống sự thoái hóa, biến chất; là thước đo cho thấy niềm tin của đại biểu HĐND và cử tri toàn tỉnh đối với bản thân để có hướng phấn đấu, rèn luyện.
Đối với Gia Lai, các bước lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện hết sức nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch và sau lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm đã nghiêm khắc soi rọi lại bản thân, cơ bản việc lấy phiếu tín nhiệm được các đại biểu và cử tri tỉnh nhà hết sức đồng tình, kỳ vọng. Kết quả của lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên có thể nói đã phần nào phản ánh thực chất hiệu quả hoạt động của người đại biểu HĐND, góp phần tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc phục vụ của người đại biểu đối với trọng trách mà mình đã được xã hội và nhân dân giao phó.
Thực tế qua lần lấy phiếu vừa rồi, những người nhận phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm đã tiếp tục phát huy, đối với người phiếu tín nhiệm thấp đã có sự cố gắng đáng ghi nhận, thể hiện ở những chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực được phân công phụ trách. Trường hợp người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều đã và đang được tỉnh xem xét bố trí nhiệm vụ khác, cá biệt có đồng chí phải động viên thôi giữ chức vụ lãnh đạo và nghỉ công tác.
Thảo luận tổ thu hút nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu HĐND. Ảnh: Lê Hòa |
- PV: Có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc đánh giá, rút kinh nghiệm về vấn đề tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vừa qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Đình Thu: Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vừa qua đã bàn, đánh giá, rút kinh nghiệm về việc lấy phiếu tín nhiệm và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, đây là chủ trương hết sức đúng đắn. Việc lấy phiếu tín nhiệm là việc mới, hệ trọng, thể hiện rõ tính nhân văn của dân tộc ta, do đó trong quá trình tiến hành các bước cần phải hết sức thận trọng. Do chưa có tiền lệ nên có nhiều luồng ý kiến khác nhau là không thể tránh khỏi. Quan trọng là sự quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh sự lợi dụng của các thế lực thù địch chống phá, chia rẽ không có lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh.
Trên cơ sở đó, tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm sau này sẽ đi vào nền nếp và trở thành một công việc thường xuyên, bình thường trong sinh hoạt nghị trường. Cần phải xem xét đến yếu tố tạo cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác.
Bên cạnh đó, các mức đánh giá tín nhiệm nên thực hiện 3 mức tín nhiệm như hiện nay là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” nhằm phân biệt rõ việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm theo hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” dùng cho mục đích miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ, đồng thời nên mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm đến tất cả các giám đốc các sở trực thuộc UBND tỉnh, các phòng, ban thuộc UBND cấp huyện nhưng không do HĐND bầu và các chức danh công chức xã đối với cấp xã, vì những chức danh này vẫn thuộc diện chịu giám sát của nhân dân. Bổ sung quy định HĐND tỉnh, huyện hằng năm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp trước khi trình Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm.
- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi vừa rồi!
Lê Hòa (thực hiện)