(GLO)- Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai đã đến thăm di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)-nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, lò lửa trui rèn tinh thần bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh.
Đến thăm Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (gọi tắt là Trại giam Phú Quốc) lần này, đoàn hành trình về “địa chỉ đỏ” của Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh gồm 15 người. Hành trình kéo dài từ ngày 22 đến 25-4 tại Phú Quốc, các cựu tù chính trị đã tận thấy chuồng cọp Catso, dây thép gai thít chặt người tù; hình thức tra tấn dã man: ép ván vỡ lồng ngực, đục và bẻ răng; đóng đinh vào tay, chân; trùm bao bố chế nước sôi; tra điện…
Các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc. Ảnh: Thuận Văn |
|
Dù đã trở lại đây nhiều lần nhưng ông Nguyễn Văn Thuận-Ủy viên Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-vẫn không khỏi rùng mình nơi Mỹ-ngụy tra tấn, đày đọa mình. 18 tuổi, ông là bộ đội trinh sát ở mặt trận Bình Trị Thiên. Trong một trận đánh năm 1966, vì không cân sức, đồng đội hy sinh, bản thân ông Thuận bị thương và bị địch bắt làm tù binh.
Địch đưa ông vào Trại giam Non Nước (TP. Đà Nẵng), sau đó giam giữ ở Phú Quốc. Ông Thuận bị địch tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc dò la tin tức của quân ta. Thế nhưng, với lòng kiên trung với Tổ quốc, ông Thuận đã không bao giờ chịu thỏa hiệp.
Ông Thuận kể: “Tôi bị nhốt ở Trại giam Phú Quốc cho đến khi được trao trả ngày 21-3-1973 là 6 năm lẻ 1 ngày. Lần nào trở về đây, tôi vẫn chung một cảm xúc, rùng mình ớn lạnh khi nhớ lại những đòn roi tra tấn của kẻ thù. Tuy nhiên, bản thân luôn ngẩng cao đầu hiên ngang tư thế của người chiến thắng, tự hào về bản lĩnh, tinh thần người chiến sĩ Cộng sản”.
Cũng là tù binh Trại giam Phú Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên ông Hoàng Minh Hải-Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị yêu nước huyện Phú Thiện-trở lại nơi được trao trả (tháng 3-1973). Năm 1971, trong một trận đánh ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế), ông Hải bị thương nặng và bị địch bắt đưa về nhà tù Mang Cá, rồi di chuyển đến Trại giam Non Nước, sau đó, chuyển ra Trại giam Phú Quốc.
Ở đây, địch đã dùng mọi thủ đoạn để lung lạc ý chí chiến đấu của ông nhằm moi thông tin của quân ta. Ông Hải cho biết, không tù binh nào ở Trại giam Phú Quốc thoát khỏi sự tra tấn dã man, đê hèn của kẻ thù, chuyện này xảy ra như cơm bữa. 48 năm đã trôi qua, song ký ức về những ngày tháng bị giam cầm tại Trại giam Phú Quốc vẫn không hề phai mờ trong tâm trí ông.
Trở lại Phú Quốc lần này với bao cảm xúc, ông Hải chia sẻ: “48 năm trước, huyện Phú Quốc đầy mất mát, hy sinh của các chiến sĩ cách mạng. Đau thương mà các anh phải chịu đựng không thể diễn tả hết bằng lời. Thế nhưng, ai cũng kiên cường vượt qua để chờ ngày thống nhất đất nước. Thành phố Phú Quốc bây giờ nhộn nhịp và rất phát triển, nhưng những dấu tích của “địa ngục trần gian” vẫn còn lưu giữ, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Những người lần đầu tiên đến thăm Trại giam Phú Quốc không tránh khỏi bàng hoàng, rùng mình ớn lạnh khi nhìn thấy những hình ảnh mô phỏng cảnh tra tấn tù binh ở địa ngục trần gian. Bà Võ Thị Mai-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước huyện Đak Đoa, từng bị địch giam giữ ở Quảng Ngãi-bày tỏ: “Lần đầu đến thăm Trại giam Phú Quốc, nhìn cảnh tra tấn tù binh, tôi không kìm được nước mắt, lòng đau như cắt. Đâu cần phải tưởng tượng, chỉ cần nhìn những tượng người mô phỏng, tôi cũng đã hình dung được những đòn tra tấn dã man của kẻ địch đối với các chiến sĩ cách mạng”.
Ngoài thăm Trại giam Phú Quốc, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh còn tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc; Bảo tàng Phú Quốc; đền thờ Nguyễn Trung Trực… Ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-cho hay: “Được sự tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh đã có dịp đến thăm các di tích lịch sử tại Phú Quốc. Mỗi chứng tích đều dấy lên trong lòng các cựu tù chính trị những đau thương, mất mát, nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Trại giam Phú Quốc sẽ mãi là trang lịch sử sống động, nhắc nhở mỗi người sống sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn của các chiến sĩ cách mạng, những tấm gương sáng ngời mà sách sử đã ghi lại: Bất khuất giữa trại giam, tù binh Cộng sản Phú Quốc/Chết mà bất tử-kiên cường trong ngục tù/Bộ đội giải phóng miền Nam-thác vẫn trường tồn/Dưới mộ cờ đỏ bọc xương-sóng biển tỏa bát ngát/Ru giấc ngủ liệt sĩ, tù binh…”.
THỦY BÌNH