Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Bài học nhớ đời từ bẫy “việc nhẹ lương cao”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ vì thiếu hiểu biết và mong muốn có cuộc sống giàu sang, một số người dân tộc thiểu số ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã rơi vào bẫy lừa “việc nhẹ lương cao” của các đối tượng xấu để rồi “tiền mất tật mang”.

Biết chúng tôi đến thăm, bà Siu H’Puh (SN 1977, làng Kênh Mek, xã Ia Le) gác lại công việc thường ngày để ở nhà. Dù đã trở về địa phương và bắt đầu ổn định lại cuộc sống, nhưng bà H’Puh vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại lần bị các đối tượng xấu dụ dỗ vượt biên.

Bà H’Puh kể: Năm 2019, do hoàn cảnh khó khăn, bà đã vay 20 triệu đồng từ tổ chức tín dụng địa phương để cho chồng của mình là ông Rmah Brươi (SN 1973) đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga. Do công việc không phù hợp nên làm được một thời gian, ông Brươi trở về địa phương. Cuối năm 2022, lấy cớ đi ngủ lại rẫy để trông coi nông sản, ông Brươi đã trốn đi để vượt biên sang Thái Lan mà gia đình không hay biết.

Bà Siu H’Puh (bìa phải) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc bị các đối tượng dụ dỗ vượt biên. Ảnh: R.H

Bà Siu H’Puh (bìa phải) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc bị các đối tượng dụ dỗ vượt biên. Ảnh: R.H

“Tháng 2-2023, khi nghe ông Brươi đang ở Thái Lan, kẻ xấu đã dụ dỗ mình bán tài sản có giá trị để xuất cảnh qua đó. Theo thỏa thuận, chi phí để vượt biên cho 4 người trong gia đình là 80 triệu đồng. Vì muốn gặp chồng, mình đã bán 40 con dê và nhiều tài sản để lấy tiền chuyển cho các đối tượng qua tài khoản mà chúng cung cấp. Hoàn tất thủ tục, các đối tượng này hướng dẫn mình đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh. Khi vào đây, đã có một số người đợi sẵn rồi dùng xe ô tô chở gia đình mình xuống các tỉnh miền Tây để tìm cách vượt biên. Trên đường đi, gia đình mình bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ rồi hỗ trợ quay về. Sau khi trở về, được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích nên mình hiểu ra là đã bị lừa. Từ nay, mình sẽ tích cực làm ăn gây dựng lại kinh tế. Mình cũng muốn mọi người đừng có tin kẻ xấu lợi dụng kẻo tiền mất tật mang”-bà H’Puh nói.

Còn bà Kpuih H’Thuel (SN 1954, làng Puối Lốp, xã Ia Le) kể lại: Năm 1973, bà nên nghĩa vợ chồng với ông Rmah Hlônh (SN 1953, cùng làng Puối Lốp) rồi lần lượt sinh 8 người con. Vợ chồng cố gắng làm việc để chăm lo cho các con. Tưởng chừng cuộc sống êm xuôi thì biến cố đã xảy ra khi bà H’Thuel sức khỏe ngày càng suy giảm dẫn đến 2 mắt mù lòa, con gái đầu lòng là chị Kpuih H’Mrang (SN 1980) cũng lâm bệnh nặng.

Bà Kpuih H'Thuel trò chuyện cùng Trưởng thôn Puối Lốp. Ảnh: R'Ô HOK

Bà Kpuih H'Thuel trò chuyện cùng Trưởng thôn Puối Lốp. Ảnh: R'Ô HOK

Chứng kiến hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, bệnh tật, ông Hlônh làm việc cật lực để trang trải chi phí cuộc sống. Thế nhưng, không biết từ khi nào ông lại bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên sang Thái Lan để tìm việc nhẹ lương cao. Chuyến đi định mệnh ấy đã khiến ông nằm lại nơi xứ người. “Khoảng 13 năm trước, ông Hlônh xuất cảnh trái phép sang Thái Lan. Vì bất đồng ngôn ngữ, không có giấy tờ cư trú hợp pháp và sợ bị lực lượng chức năng xử lý nên mọi công việc sinh hoạt hàng ngày ông phải nhờ người khác giúp đỡ. Phải chịu cảnh lao động nặng nhọc, năm 2021, ông Hlônh đau bệnh rồi chết ở Thái Lan. Nghe tin, mình đã khóc nhiều lắm”-bà H’Thuel nghẹn ngào.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-thông tin: Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã đưa được 3 hộ gia đình với 14 người trở về địa phương. Trước đây, phần lớn các hộ gia đình này có kinh tế ổn định. Tuy nhiên, do tin lời kẻ xấu, họ đã bán tài sản có giá trị nhằm trốn sang nước ngoài. Để giúp các hộ ổn định lại cuộc sống, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, thăm hỏi và hỗ trợ nhu yếu phẩm. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng và hỗ trợ vay vốn để các hộ dân đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền pháp luật; quản lý, theo dõi và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời tháo gỡ, tránh xảy ra trường hợp tiếp tục vượt biên.

Có thể bạn quan tâm