Cà phê chứa rất nhiều hoạt chất, bao gồm caffein và polyphenol, có tác động khác nhau đến cơ thể. Polyphenol giúp tăng cường đặc tính chống oxy hóa chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim và ung thư.
Uống cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Những người đang gặp vấn đề với lượng đường trong máu thường tự hỏi liệu họ có được hưởng lợi từ việc uống cà phê hay không. Ảnh PEXELS |
Theo nghiên cứu, uống 3 - 4 tách cà phê mỗi ngày có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Trong một nghiên cứu khác năm 2013, uống mỗi ngày thêm 1 tách cà phê trong 4 năm giúp giảm 11% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu cũng cho thấy giảm tiêu thụ cà phê 1 tách mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 17%, theo trang tin sức khỏe Healthshots.
Nhưng với người đã mắc bệnh tiểu đường thì sao?
Cà phê chứa nhiều hoạt chất có thể có lợi cho người bệnh tiểu đường. Cô Avni Kaul, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng từng đoạt Huy chương Vàng và giải thưởng Chuyên gia dinh dưỡng xuất sắc nhất ở New Delhi (Ấn Độ), cho biết cà phê rất giàu chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại chứng viêm và căng thẳng oxy hóa, cả hai đều có liên quan đến bệnh tiểu đường và các biến chứng của nó.
Chất chống oxy hóa dồi dào trong cà phê đóng vai trò chính trong việc giữ cho tim khỏe mạnh. Người mắc bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh tim và đột quỵ hơn và hấp thụ nhiều chất chống oxy hóa có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này.
Mẹo uống cà phê tốt nhất cho người bệnh tiểu đường
Tránh thêm nhiều đường hoặc sữa nguyên béo vào cà phê. Ảnh PEXELS |
Cà phê có thể có lợi cho bệnh nhân tiểu đường nếu đảm bảo 2 điều sau:
Không thêm đường, sữa. Bệnh nhân tiểu đường cần tránh thêm đường hoặc sữa vào cà phê. Những chất phụ gia này có thể làm tăng lượng calo nạp vào và ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết. Cà phê đen không đường không làm tăng đường huyết sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh tiểu đường, theo Healthshots.
Theo các chuyên gia, người bệnh tiểu đường, uống 2 tách cà phê không đường mỗi ngày có thể an toàn. Chỉ 1-2 tách mỗi ngày sẽ không gây tác hại lớn cho người bệnh tiểu đường, nhưng với điều kiện không thêm đường, sữa.
Tốt nhất nên uống cà phê đã khử caffein (decaf). Theo nghiên cứu, caffein trong cà phê có thể cản trở độ nhạy insulin, nên không lý tưởng lắm cho người bệnh tiểu đường.
Mặc dầu vậy, cà phê còn chứa nhiều hoạt chất sinh học như axit chlorogen, polyphenol, crom hoặc magiê có thể có lợi cho chuyển hóa đường và độ nhạy insulin, do đó bù đắp tác hại của caffeine.
Vì vậy, nếu có thể, bệnh nhân tiểu đường nên uống cà phê đã khử caffein và không thêm đường sữa, để gặt hái lợi ích tối đa từ các thành phần khác, mà không làm tăng độ nhạy insulin.