(GLO)- Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 3) có nhiệm vụ quản lý, sử dụng các loại xe, pháo khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh dùng cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Chính vì thế, cùng với nắm chắc các thông số kỹ thuật thì hoạt động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị có trong biên chế luôn được đơn vị chú trọng.
Sáng kiến “Khóa cò súng tiểu liên AK” giúp tiết kiệm thời gian trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Trần Hữu An |
Từ đầu năm đến nay, Lữ đoàn Pháo phòng không 234 đã có 7 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn huấn luyện của đơn vị. Việc áp dụng sáng kiến đã giúp đơn vị sử dụng hiệu quả vũ khí trang bị và tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức của bộ đội, đồng thời duy trì tốt hệ số kỹ thuật.
Đại tá Đỗ Thế Hùng-Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 234-cho biết: Trước đây, pháo cao xạ 37 mm khi chuyển từ trạng thái hành quân sang sẵn sàng chiến đấu thì lò xo hay bị gãy do độ co giãn không đồng đều. Việc sửa chữa, thay thế mất nhiều thời gian.
Xuất phát từ thực tế đó, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Đức Hiền đã nảy ra sáng kiến “Cải tiến cán lò xo đổi thế pháo cao xạ 37 mm”. Theo đó, cán lò xo sử dụng như trước đây chỉ cần thêm 1 đoạn ren ngược chiều để cố định lò xo từ 2 phía. Khi chuyển trạng thái pháo thì lo xò được cố định sẵn nên không còn co hoặc giãn quá dẫn đến bị hỏng hóc.
Nói về sáng kiến này, Thượng úy Phan Đức Hiền cho hay: “Chuyển trạng thái pháo là một trong những yêu cầu đặc biệt trong quá trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, cán lò xo có thể gặp sự cố, trong khi hiện nay khó mua để thay thế. Chính vì thế, tôi đã nghiên cứu cho ra đời sáng kiến này, khi áp dụng vào thực tế đã giảm thời gian sửa chữa, thay thế, đồng thời tiết kiệm được chi phí và thuận tiện trong quá trình bảo quản”.
Tương tự, sáng kiến “Khóa cò súng tiểu liên AK” tủ đụng súng bộ binh của Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Chung cũng được đơn vị đánh giá cao. Trước đây, tủ đựng súng chiến đấu bộ binh thường sử dụng dây để luồn thủ công các cò súng lại nhằm tránh những mất mát, rủi ro không đáng có. Tuy nhiên dùng cách này mất thời gian, súng có thể xê dịch, trong quá trình huấn luyện, báo động chuyển trạng thái chiến đấu; lấy súng ra khỏi tủ mất nhiều thời gian.
Còn khi vận dụng sáng kiến “Khóa cò súng tiểu liên AK” thì các hộp thép được hàn cố định trong tủ súng, trong các hộp này có một thanh luồn, gắn các chốt. Khi bỏ súng vào tủ theo đúng vị trí trên hộp thép, người bảo quản vũ khí chỉ cần bật nhẹ, thanh luồn sẽ di chuyển qua các cò súng, tạo thành một khối gắn các khẩu súng với nhau, sau đó khóa cố định thanh luồn cò với giá súng. Nếu muốn mở thanh luồn để lấy súng, người bảo quản chỉ cần mở khóa, bật chốt, thanh luồn cò sẽ tự động thu về. Sáng kiến này đảm bảo các súng trong tủ tạo thành một khối thống nhất, khi có báo động sẵn sàng chiến đấu hoặc huấn luyện có thể nhanh chóng lấy nhiều súng một lần không mất công luồn tay tháo dây như trước đây.
Theo Đại tá Đỗ Thế Hùng, những năm qua, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Lữ đoàn Phòng không 234 được áp dụng vào quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Những sáng kiến này thể hiện tinh thần làm việc hăng say của những người lính kỹ thuật. Đây cũng là kết quả của các phong trào thi đua huấn luyện giỏi, bảo quản sử dụng có hiệu quả trang-thiết bị, kỹ thuật của đơn vị.
TRẦN HỮU AN