TN - Đất & Người

Quả bồ hòn đa dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi người ta vướng vào chuyện gì đó rắc rối mà không thể tỏ bày cùng ai thì thường dùng lối ví von là “Ngậm bồ hòn làm ngọt”. Điều ấy nói lên sự đắng của loại quả này.
Bồ hòn là loài cây thân gỗ, mọc rải rác ở rừng hỗn giao. Trước đây, những năm chúng tôi hoạt động trong căn cứ Kbang và vùng rừng nguyên sinh sau dãy Hãnh Hót (thuộc huyện Đak Pơ và Kông Chro ngày nay), thỉnh thoảng vẫn thấy chúng mọc xen giữa rừng già, ra hoa kết trái vào những tháng cuối năm. Bây giờ chắc không còn nhiều nữa, bởi rừng già đã hết.
Chị Chín Thung là chị nuôi của Huyện đội K8 bấy giờ. Vốn quê ở xã Song An (huyện An Khê cũ), sống xứ rừng nên chị biết khá nhiều loại cây trái, hoa quả của rừng có ích cho người. Trái bồ hòn là một trong những loại quả mà chị thường dùng để giặt quần áo, rửa chén bát trong những lúc thiếu xà phòng. Có lần, chị dẫn đám lính trẻ chúng tôi vào rừng chỉ cho cây bồ hòn, bảo chúng tôi hái quả và hướng dẫn cách dùng chúng để giặt quần áo. Quả bồ hòn già hoặc đã chín sẽ ngả màu vàng óng, hạt đen nhánh trông rất đẹp mắt, nếu không biết ta sẽ nghĩ đây là thứ quả ăn được. Sau khi hái chúng về, chỉ cần nấu lên hoặc đập dập cho chung với đồ bẩn, ngâm một lát rồi đem giặt, chúng sẽ tạo thành hỗn hợp sủi bọt trắng như xà phòng và giúp quần áo sạch bong. Trên thực tế, quả bồ hòn còn có nhiều công dụng nữa; từ thực tế cuộc sống ở rừng chúng đã phát huy hiệu quả vào vài việc khác.
 Quả bồ hòn. Ảnh: internet
Quả bồ hòn. Ảnh: internet
Bồ hòn làm “thuốc” bắt cá là một ví dụ. Cuối năm, mùa bồ hòn cho quả chín cũng là thời điểm những con suối trong rừng cạn nước, tạo thành những dòng chảy nhỏ và những cái hục cạn. Các loại cá cua, tôm tép tụ về những hục nước tù đọng ấy. Tát nước bắt cá cũng là chuyện thường ngày của đám lính trẻ để cải thiện bữa ăn hàng ngày; nhưng những lúc rỗi rãi, đó còn là trò nghịch nước của chúng tôi. Cụ thể, hạt bồ hòn cùng với lá tiền đơn cho vào túi vải quấn kỹ, kê lên đá, dùng cây đập dập và nhúng xuống nước, kiên trì đợi một lúc là đạt được thành quả ngay. Nước bồ hòn và lá tiền đơn làm cho cá cua, tôm tép bị cay, đắng nên nổi lên mặt nước, thế là chúng tôi chỉ việc vớt chúng cho vào rổ. Đúng là một thứ “thuốc” bắt cá rất hữu hiệu.
Ngày ấy, trên những cung đường giao liên xuyên qua rừng già thâm u, quanh năm ẩm ướt, nhất là sau cơn mưa rừng xối xả, lũ vắt thường “hoạt động” tích cực và khôn khéo nhất khi có tiếng chân người. Thuốc chống vắt không phải lúc nào cũng sẵn nên chúng tôi nghĩ ra cách dùng bồ hòn thay thế. Quả bồ hòn tươi đập dập, trộn với lá thuốc lá khô hoặc tươi đều được, sau đó cho vào túi vải, thoa khắp lượt lên 2 chân. Loại “thuốc” đặc hiệu này giúp chúng tôi rất yên tâm khi vượt qua những cánh rừng đầy vắt. Lũ vắt rất láo, chúng bám chặt vào bất cứ vật gì có thể, đầu ngo ngoe chờ đợi “con mồi”, người yếu bóng vía khi thấy hàng đàn vắt đồng loạt ngo ngoe như thế không khiếp sợ mới là chuyện lạ. Thế nhưng, ngay khi bám vào chân chúng tôi, gặp thứ thuốc bồ hòn đặc trị nói trên thì chúng liền cong đầu bỏ chạy. Ngoài ra, chúng tôi còn lấy xác bồ hòn trộn với muối hạt, bó thành gói nhỏ cột ở đầu một cây que; khi thấy những chú vắt lá bật từ cành cây ven đường bám vào các vị trí trên người thì chỉ việc lấy cây que ấy chấm vào chúng, lập tức chúng thun người lại và rơi xuống ngay.
Quả bồ hòn còn được chị Khanh-y tá của đơn vị-dùng làm thuốc chữa ghẻ lở, sâu răng, viêm họng... cho chiến sĩ. Nước bồ hòn nấu hoặc ngâm từ quả chín còn được các nữ chiến sĩ dùng tắm, gội đầu thay cho xà phòng, bồ kết. Gội loại dầu đặc biệt này, tóc các cô, các chị như dày lên, óng ả và mượt mà, đặc biệt là tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng... con gái.
Không biết cây và quả bồ hòn còn có những công dụng nào có ích cho con người, nhưng từ thực tiễn cuộc sống của anh chị em cán bộ, chiến sĩ ở rừng thời chiến tranh, ngoài việc dùng quả của chúng thay xà phòng, chúng tôi đã nghĩ ra những công dụng khác từ quả bồ hòn là vậy. Ngày nay, những cánh rừng già xưa kia chúng tôi đã từng ở, từng lại qua giờ đã thành những đồi trọc hoặc những vườn cây ăn quả, rừng cây công nghiệp. Không còn thấy lũ vắt đáng ghét kia đâu nữa. Trong thời buổi cả thế giới lên án việc các loại hóa chất công nghiệp độc hại thống soái trong mọi lĩnh vực đời sống, gây ra nhiều bệnh tật, nhất là bệnh ung thư, nên chăng các nhà khoa học cần nghiên cứu những sản phẩm thay thế các loại hóa chất này từ cây lá, củ quả trong tự nhiên?
Bồ hòn là cây thân mộc, to cao, lá nhiều, có thể trồng làm cây che chắn gió, phủ xanh đồi trọc và biết đâu quả của chúng còn có những hữu ích khác cho đời sống con người. Mà thôi, việc nói trên, đấy là chuyện của các nhà khoa học. Người viết bài này cũng chỉ kể lại vài mẩu chuyện nhỏ vui vui về quả bồ hòn lúc còn ở rừng. Bao gian khó thiếu thốn khi xưa đã khiến những người lính Cụ Hồ như chúng tôi không chịu bó tay trước cảnh thiếu thốn. Cái khó không bó hết cái khôn của những người nông dân cầm súng khi có giặc ngoại xâm cướp nước thuở nào!
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm