Các hãng tàu đã trót nhập hơn 1.100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, trở thành hàng tồn kho kéo dài phải có trách nhiệm tái xuất nhưng xem ra không dễ thực thi
Cục Hải quan TP HCM cho biết mới kiểm tra, phân loại để xử lý phế liệu tồn đọng kéo dài do gặp khó khăn từ khâu kiểm tra, phân loại đến tìm kiếm chủ hàng, hãng tàu. Thời gian tới, sau khi xác định sẽ yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm tái xuất những container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường.
Hãng tàu đùn đẩy trách nhiệm
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến ngày 12-5, các cơ quan đã phối hợp kiểm đếm 1.528 container tồn đọng. Trong đó, chỉ 410 container đủ điều kiện nhập khẩu (tồn đọng phải xử lý đấu giá), 1.100 container không điều kiện nhập khẩu, 17 container là các loại hàng khác, 1 container phế liệu kim loại. 36 hãng tàu đã vận chuyển số container này phải chịu trách nhiệm về việc tái xuất các container không đủ điều kiện nhập khẩu.
Theo các cán bộ hải quan đội xử lý hàng tồn đọng, thời gian qua, việc kiểm tra và xử lý hàng tồn đọng mất rất nhiều thời gian nhưng hiệu quả không cao do các doanh nghiệp (DN) không đến nhận hàng, trong đó có DN bỏ trốn, các hãng tàu đùn đẩy trách nhiệm.
Nhiều container nhựa phế thải không đủ điều kiện nhập khẩu tồn đọng ở cảng. Ảnh: Sơn Nhung
Đại diện một hãng tàu đã nhập hơn 100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu cho biết thời gian qua, họ đã phải làm nhiều lần báo cáo thông tin liên quan đến các container phế liệu tồn đọng cho cơ quan chức năng. Vị này thừa nhận việc bắt buộc hãng tàu phải tái xuất container không đủ điều kiện nhập khẩu về các quốc gia đã xuất là việc nan giải. Bởi khi nhận vận chuyển hàng hóa, các đơn vị thuê đã tự kê khai, tự đóng hàng, hãng tàu không được quyền tìm hiểu nên không biết được bên trong container là gì. Tùy theo hợp đồng vận chuyển, có đơn vị trả phí trước, có khi về đến Việt Nam mới thanh toán. "Hiện tại, điều chúng tôi lo ngại nhất là không thể tìm được đơn vị xuất hàng ở các nước vì có khi họ đã phá sản, bỏ trốn. Ngoài ra, nơi xuất hàng không cho phép hãng tàu đưa số phế liệu này trở lại. Trong khi đó, xử lý bằng cách tiêu hủy thì không được vì điều kiện ở Việt Nam không cho phép hoặc rất tốn kém. Vì thế, dù tốn nhiều tiền nhưng chúng tôi cũng khó xử lý nên cần nhà nước hỗ trợ" - vị này nói.
Cũng từ các khó khăn này, đại diện một hãng tàu khác cũng cho rằng Việt Nam nên như một số quốc gia khác là yêu cầu các bên chịu trách nhiệm với hàng hóa do mình xuất, nhất là việc hợp tác xử lý hàng xuất kém chất lượng như rác, phế liệu.
Xử lý không xuể
Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết theo quy định, nếu các container tồn đọng mà đủ điều kiện nhập khẩu thì sẽ xử lý theo quy trình đấu giá. Còn các lô hàng không đủ điều kiện thì sẽ yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm tái xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ hàng đã bỏ trốn, không nhận hàng vì hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, thời gian đóng thuế, phí lưu container, lưu bãi quá nhiều so với giá trị họ nhập về. Hiện chi phí lưu container khoảng 500.000 đồng/ngày.
Theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính, đơn vị vận chuyển, cụ thể là các hãng tàu phải chịu trách nhiệm cung cấp danh sách vận đơn quá 90 ngày (từ ngày hàng đến cửa nhập) mà chưa có người nhận cho cảng kinh doanh cảng, kho, bãi tổng hợp tình hình hàng hóa tồn đọng. Nếu là hàng không được phép nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như phế liệu, rác thải công nghiệp thì thuộc trách nhiệm của các hãng tàu.
Thực tế, hoạt động nhập khẩu phế liệu ồ ạt diễn ra năm 2017-2018, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường siết lại điều kiện nhập khẩu đã xảy ra tình trạng hàng tồn đọng rất nhiều ở các cảng. Dù liên tục xử lý nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng các hãng tàu gặp khó khi quy định điều kiện nhập khẩu phế liệu được siết lại. Tuy nhiên, quy định đã có, các hãng tàu cũng cần rút kinh nghiệm. Từ đó, phải lường trước rủi ro và thận trọng trong việc chọn đối tác. Thông thường, phải yêu cầu đơn vị thuê vận chuyển cung cấp đầy đủ giấy phép nhập khẩu lô hàng, có đơn vị cam kết nhận hàng, thậm chí phải yêu cầu tạm ứng chi phí vận chuyển… chứ không thể chủ quan nhận vận chuyển rồi gây hệ lụy lớn.
Sơn Nhung (NLĐO)