Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Quân đoàn 3 tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trưởng thành từ Quân đoàn 3, nhiều cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Jrai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai đã phát huy tốt vai trò trong thực hiện nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, đồng thời tuyên truyền, vận động, giáo dục, cảm hóa đối tượng lầm lỡ, góp phần xây dựng địa bàn vững mạnh.

Anh Y Bên (người mặc áo trắng) đang hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây cà phê. Ảnh: D.Q

Y Bên là một cán bộ trẻ vừa được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) nhiệm kỳ 2015-2020. Trước đó, anh đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) và được kết nạp đảng trong quân đội. Trở về địa phương, Y Bên được phân công làm cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hà Bầu. Trên các vị trí công tác mới, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. sức trẻ, lòng nhiệt huyết và những điều được học tập, rèn luyện trong thời gian tại ngũ ở Quân đoàn 3 đã giúp Y Bên ngày càng trưởng thành và có nhiều đóng góp trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, được bà con tin yêu.

Ông Y Khêl (làng Tâng, xã Hà Bầu) chia sẻ: “Y Bên giỏi lắm, cái gì cũng biết, lại nhiệt tình tốt bụng. Anh thường xuống đây chỉ cho bà con làm cà phê, hồ tiêu và thăm hỏi đời sống của bà con”.

Đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, mỗi năm, Quân đoàn 3 tiếp nhận và tổ chức huấn luyện cho hàng ngàn chiến sĩ mới, trong đó, thanh niên người dân tộc thiểu số chiếm tới gần 30%. Ngoài việc huấn luyện, học tập, công tác, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng cho các quần chúng ưu tú.

Tính từ năm 2012 đến nay, Quân đoàn đã kết nạp được trên 2.500 đảng viên mới, trong đó có trên 200 đồng chí là con em đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những người lính dân tộc Jrai, Bahnar của Quân đoàn 3 trở về và trở thành những hạt nhân tiêu biểu, nòng cốt trong các phong trào của địa phương. Họ đã tích cực vận động, tuyên truyền bà con nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ vững chắc sự bình yên ở mỗi buôn làng.

Từng là Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), Thượng úy Rơ Lan Nhin được điều chuyển về công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Grai. Là một trong những điển hình tiên tiến của toàn quân về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được tuyên dương năm 2013, Rơ Lan Nhin đã phát huy tốt vai trò của mình trên cương vị mới ở một địa bàn nhiều khó khăn. Với năng lực và lợi thế về tiếng Jrai, Rơ Lan Nhin đã góp phần không nhỏ vào việc quản lý đối tượng, nắm vững địa bàn, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Ông Ksor Brú (làng Dun De, xã Ia Bă, huyện Ia Grai)-người một thời đã lầm lỡ theo “Tin lành Đê-ga” tâm sự: “Mình giờ biết rồi, chịu khó ở nhà làm ăn thôi. Bộ đội Nhin giỏi lắm, nói cho mình biết nhiều, hiểu nhiều, phải xây dựng đoàn kết, không theo kẻ xấu, không để bị mắc mưu, bị lừa nữa”.

Hơn 40 năm gắn bó với Tây Nguyên, Quân đoàn 3 không chỉ là đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược của cả nước mà còn giáo dục, rèn luyện và đào tạo cho các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Gia Lai nhiều thế hệ cán bộ người dân tộc thiểu số. Những Rơ Lan Nhin, Y Bên và nhiều cái tên khác người dân tộc Jrai, Bahnar ở Gia Lai, Kon Tum đã và đang là những hạt giống đỏ mà Quân đoàn 3 nuôi dưỡng, gieo mầm trên mảnh đất Tây Nguyên.

 Danh Quang-Duy Hiển

Có thể bạn quan tâm