(GLO)- Đó là câu hỏi mà dư luận xã hội quan tâm đặt ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia chính trị và quân sự, quân đội làm kinh tế là kinh tế quốc phòng. Làm kinh tế để củng cố nền quốc phòng ngày càng vững mạnh hơn. Thực tế thành công của các doanh nghiệp quân đội trên một số địa bàn trọng yếu đã chứng minh điều đó.
Tiến sĩ Võ Hồng Thắng-Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi tọa đàm. (ảnh nguồn: qdnd) |
Tại buổi tọa đàm về chủ đề này do Báo Quân đội nhân dân tổ chức mới đây, Tiến sĩ Võ Hồng Thắng-Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng khẳng định: Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo ông, nước ta có đường biên giới khoảng 4.500 km, bờ biển dài hơn 3.000 km. Đời sống của người dân nhiều vùng còn khó khăn, lạc hậu. Vì thế, quân đội là chỗ dựa để nhân dân tổ chức cuộc sống, sản xuất, phát triển kinh tế, tạo nên thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. “Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì quân đội phải triển khai dọc tuyến biên giới 33 khu kinh tế quốc phòng. Khi đất nước có chiến tranh thì lập tức trở thành đơn vị chiến đấu. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế”-Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhiều doanh nghiệp quân đội có mô hình, tư duy mới và có lợi thế trong một số lĩnh vực như: ngành đóng tàu, công nghiệp hỗ trợ và chế tạo cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, theo ông Phong, vấn đề nào cũng có mặt trái của nó. Trên thực tế, những hiện tượng vi phạm pháp luật, gây thất thu ngân sách, làm méo mó môi trường cạnh tranh không phải không có. Vì vậy, quân đội cần tiếp tục mạnh tay loại trừ hiện tượng lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm giàu cho cá nhân. Theo ông thì “cần xây dưng cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo lợi ích quân đội làm kinh tế, phục vụ cho quân đội, cũng như quốc gia chứ không phải phục vụ cho ai đó. Cần cảnh giác với những mặt trái của quân đội làm kinh tế, như người làm kinh tế giàu hơn, quân đội thuần túy thì nghèo, một sự phân biệt đẳng cấp nhà giàu-nhà nghèo. Tiếp đó là sự lạm dụng xe biển đỏ, quyền lực, bí mật quân sự để làm giàu thì phải nhận diện và loại trừ, phải làm tốt vấn đề này”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng khẳng định, việc quân đội làm kinh tế là rất rõ ràng, thể hiện trong Cương lĩnh của Đảng và Điều 68, Hiến pháp 2013. Khi quân đội làm kinh tế thì hướng tới 4 mục tiêu là: gia tăng sức mạnh của quân đội và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nền kinh tế quốc phòng; tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Khi làm kinh tế, quân đội sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị-xã hội mà không ai làm được, thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó đảm đương. Theo ông Vũ Khoan, quân đội làm kinh tế là cần thiết, song phải tuân theo khuôn khổ pháp luật nhất định, không thể áp dụng cơ chế kinh tế thị trường một cách đơn thuần: “Cần xây dựng bộ thể chế riêng cho công nghiệp quốc phòng vì đây là ngành đặc thù. Quy định riêng ở đây không phải là ưu ái, mà là phù hợp cho từng loại hình hoạt động một, vì nếu áp dụng chung dễ dẫn đến vi phạm hoặc cứng nhắc”.
Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đã được Bác Hồ giao nhiệm vụ rõ ràng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Vì thế, đội quân sản xuất của quân đội trước hết là các xí nghiệp quốc phòng trực tiếp sản xuất vũ khí và trang bị quốc phòng; các đoàn kinh tế quốc phòng đóng quân ở những địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng khó khăn vừa giúp dân làm kinh tế, vừa bảo vệ đường biên, mốc giới…
Thực tế thành công của các mô hình sản xuất kết hợp với quốc phòng của các đoàn kinh tế ở Tây Bắc, Đông Bắc, Binh đoàn 11, Binh đoàn 12, đặc biệt là Binh đoàn 15 ở Tây Nguyên đã chứng minh rằng việc làm kinh tế của quân đội là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Không ai có thể phủ nhận những đóng góp vô cùng to lớn của Binh đoàn 15 trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Sau 30 năm xây dựng, với hàng trăm ngàn ha cao su, cà phê, lúa nước, các dự án phát triển đàn bò thịt hàng ngàn con, trồng cây dược liệu… Binh đoàn đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương có thu nhập ổn định. Ở đâu có dấu chân Binh đoàn 15, ở đó đồng bào có cuộc sống no đủ, đường sá, trường học, trạm y tế, nhà cửa khang trang, trẻ con được đến trường, người ốm đau được chữa bệnh. Đời sống vật chất , tinh thần của đồng bào miền núi, vùng biên giới được nâng cao, quốc phòng-an ninh ở vùng biên giới được giữ vững.
Tuy nhiên, nói như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bên cạnh những doanh nghiệp mẫu mực, đóng góp tích cực cho quốc phòng, cũng có những doanh nghiệp quốc phòng làm ăn không đứng đắn. Quan điểm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là dứt khoát loại bỏ những doanh nghiệp kiểu này. Quân ủy Trung ương đã có quy hoạch hệ thống doanh nghiệp quân đội theo hướng chỉ tồn tại những doanh nghiệp thực sự cần thiết. “Từ chỗ gần 200 doanh nghiệp, nay chỉ còn hơn 80, sắp tới chỉ còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại. Đây cũng là một nội dung trọng tâm của Quân ủy Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về việc chống suy thoái, chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy không để ảnh hưởng đến hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ”-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Nguyễn Vân