TN - Đất & Người

Quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Đồng: Trên "nóng", dưới "lạnh" (!)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, ngoài việc trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung xác minh, làm rõ những đối tượng đã tham gia phá và lấn chiếm đất rừng, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng còn liên tục có các biện pháp đôn thúc các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Thế nhưng, rừng tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng vẫn bị “đầu độc”, ngang nhiên lấn chiếm, trong khi dư luận lại rộ lên thông tin có những đối tượng chuyên đứng ra thuê người phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp và sang nhượng kiếm lời.
Những ngày cuối năm 2018, PV Báo CAND có mặt tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và chứng kiến cảnh hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây thông nhiều năm tuổi bị “đầu độc” không thương tiếc. Đặc biệt, vị trí thông bị triệt hạ, thủ tiêu phần lớn lại nằm sát với mặt đường hoặc những nơi đi lại thuận tiện. Có những điểm vị trí rừng bị tàn phá cách trụ sở UBND xã Phi Liêng chỉ vài cây số và sát với trạm quản lý bảo vệ rừng.
Điều này dấy lên mối nghi ngờ của dư luận, hoặc là có sự tiếp tay, làm ngơ của cơ quan chức năng địa phương, hoặc là lực lượng chức năng quá yếu kém, chưa làm tròn trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác bảo vệ rừng.
Còn nhớ, vào giữa năm 2018, tại tiểu khu 216, xã Phi Liêng, rừng thông trên 20 năm tuổi đã bị tàn phá dữ dội. Diện tích rừng bị thiệt hại cùng lúc theo thống kê lên tới 4ha. Thủ đoạn triệt phá rừng thông là ken gốc, đổ hóa chất vào cho cây chết trắng hàng loạt. Mục đích phá rừng không phải lấy gỗ, mà chủ yếu là lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng bất hợp pháp để kiếm lời.
Sự việc trên tạm thời lắng xuống thì những ngày gần đây, PV Báo CAND lại tiếp tục nhận được phản ánh của người dân địa phương với nội dung rừng thông hai bên đường vào Làng Mông, xã Phi Liêng, đang bị lấn chiếm, tàn phá. Những người liên quan có cả đối tượng là “xã hội đen”, chuyên cho vay nặng lãi, thậm chí cả cán bộ trạm quản lý bảo vệ rừng (?).
Tiếp cận hiện trường, chúng tôi nhận thấy đường vào Làng Mông, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, sau hàng chục năm đường sá lầy lội, bụi bặm, hiện đang được Nhà nước đầu tư mở rộng, chuẩn bị đổ bê tông kiên cố hóa để phục vụ bà con đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính sự “lên đời” của con đường này mà đất đai dọc hai bên trở nên “sốt sình sịch” như lời của người dân. “Mỗi hécta “đất trắng” (tức đất rừng lấn chiếm, chưa có hoa màu - PV) tại các vị trí thuận lợi có giá không dưới 600 triệu đồng đâu chú. Nhiều người có đất canh tác cạnh rừng đã tổ chức triệt hạ rừng thông, lấn chiếm đất theo kiểu gặm nhấm...”, một người dân cho biết.
 
Những vạt rừng thông ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông bị đầu độc.
Dọc hai bên đường vào Làng Mông với chiều dài khoảng 5km, bên cạnh những vạt thông bị đầu độc, tổng số số lượng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây đã chết khô là những cánh rừng thông rộng lớn ngày càng thưa thớt dần. Cây rừng vừa chết, những nương cà phê đã vội vã mọc lên, lấn chiếm, áp đảo. Rừng thông ngày càng bị đẩy lùi ra xa con đường và những vị trí thuận tiện. Điều lạ nữa là dọc hai bên đường thỉnh thoảng xuất hiện những điểm bị máy xúc múc sâu vào rừng có diện tích từ vài chục đến trên 100m2. Theo giải thích của người dân địa phương, đó chính là dấu hiệu để cảnh báo cho những người khác “bất khả xâm phạm”, do vị trí đất này đã có chủ.
Theo phản ánh, phần lớn diện tích đất rừng lấn chiếm dọc hai bên đường vào Làng Mông, xã Phi Liêng nay đã thuộc về một nhóm người “có máu mặt” như ông T.T., ông C., ông T. Thậm chí, người chấp nhận dẫn PV Báo CAND tới hiện trường còn chỉ rạch ròi ranh giới, vị trí đất rừng của từng người. Về thông tin cho rằng đất rừng tại khu vực dọc hai bên dường vào Làng Mông có phần của cán bộ trạm quản lý, bảo vệ rừng (?), PV đã liên lạc với ông Lê Văn Tân, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng để tìm hiểu thực hư nhưng sau khi bắt máy, ông Tân nói “đang họp” rồi tắt ngay.
Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã liên tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, kiên quyết không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng, quyết liệt thực hiện công tác giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, lấn chiếm để trồng lại rừng. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, VKSND và TAND tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm những vụ phá rừng. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, từ năm 2016 tới nay, trên địa bàn xảy ra 96 vụ phá rừng, hủy hoại rừng có dấu hiệu hình sự, đã truy tố, xét xử 33 vụ, đang điều tra 7 vụ.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX vừa qua, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hầu như rừng nào cũng có chủ, không là các Ban Quản lý rừng thì doanh nghiệp nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng. Khi xảy ra rừng bị xâm hại không phát hiện, không xử lý kịp thời, mặc dù diện tích rừng bị phá không phải là vài trăm mét mà có khi lên tới vài hécta, gỗ bị thiệt hại không phải vài khối mà lên tới vài trăm mét khối”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để rừng bị lấn chiếm, xâm hại, phải xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị để xử lý. “Có một số nguyên nhân được viện dẫn để lý giải việc để mất rừng, từ chuyện chính sách, con người, chế độ, giá trị sản xuất đất nông nghiệp, nhưng đó chỉ là chuyện để giải thích. Qua đó thấy năng lực, khả năng trong quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh một số đơn vị có sự quyết tâm nhưng vẫn còn những con người thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả rừng bị thiệt hại”, ông Đoàn Văn Việt nói.
Khắc Lịch (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm