(GLO)- Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công thương soạn thảo có nhiều quy định can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và thị trường, dễ phát sinh giấy phép con. Đây là góp ý của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với dự thảo Nghị định này.
Quản lý bất cứ ngành nghề nào là để cho nó phát triển tốt hơn, chứ không phải ràng buộc để nó phải “co mình lại”, rồi phải xin xỏ này nọ để có thể hoạt động bình thường. Giấy phép con xuất hiện từ đó.
Ảnh minh họa |
Quản lý siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm bán lẻ, chợ… là để cho tất cả các nơi này hoạt động bình thường. Tới khuyến mãi giảm giá mà cũng bắt người ta mỗi năm chỉ được tổ chức 3 lần, mỗi lần phải tối thiểu 30 ngày… thì kỳ quá. Giảm giá hay khuyến mãi là nhu cầu nội tại của thị trường, được quyết định bởi thị trường, bởi khách mua và người bán, khi người bán chỉ muốn bán được nhiều hàng, còn người mua thì luôn muốn mua với giá cả hợp lý, thậm chí là giá rẻ. Nhưng tất cả những điều ấy đều do thị trường quyết định và nó vận hành một cách gần như tự nhiên. Can thiệp vào đó sẽ làm triệt tiêu sự tự nhiên trong vận hành của thị trường và chắc chắn sẽ nảy sinh tiêu cực. Một khi xuất hiện sự bất hợp lý, sự gò ép giả tạo, sự can thiệp vô lý vào những hoạt động thương mại bình thường thì sẽ có “cò”, có “giấy phép con”, có “chạy” và dĩ nhiên có hối lộ và tham nhũng.
Hệ thống siêu thị đang hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam. Những siêu thị nào bán hàng quá đát, bán hàng không đúng như quảng cáo, bán thực phẩm bẩn mà kêu là sạch sẽ lập tức bị hệ thống quản lý, từ quản lý thị trường tới quản lý y tế kiểm tra và xử phạt. Điều đó diễn ra cùng với hoạt động bình thường của cả hệ thống siêu thị. “Con sâu” không thể “làm rầu” nồi canh, nếu “nồi canh” ấy được quản lý bằng những chuẩn mực chuyên môn. Việc quy định diện tích cụ thể cho các siêu thị hay trung tâm thương mại là không cần thiết vì điều đó phụ thuộc vào rất nhiều thứ mà những nhà kinh doanh phải thu xếp, không phải cứ muốn là được. Nó cũng không nói lên một chút gì về chất lượng hay thương hiệu của siêu thị và trung tâm thương mại vì ai cũng biết, không phải cứ “to” là “ngon”.
“Tại các nước phát triển như: Mỹ, Úc, Cộng hòa Liên bang Đức… khi xếp loại mô hình hoạt động là siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà quản lý thường dựa vào thời gian hoạt động, số lượng ngành hàng đang kinh doanh, diện tích chỉ là một yếu tố phân loại chứ không phải là tiêu chí quyết định tất cả. Vì vậy phân loại diện tích kinh doanh để xếp loại siêu thị và trung tâm thương mại là quá cứng nhắc”-ông Vũ Thành Sơn-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, nêu ý kiến.
Không chỉ quá cứng nhắc, nó còn rất vô lý khi tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá siêu thị là chất lượng mặt hàng, giá cả hợp lý và chất lượng phục vụ.
Tóm lại, dự thảo này chắc còn phải điều chỉnh rất nhiều vì nó thể hiện một tư duy quá khô cứng và thiếu hợp lý khi can thiệp quá sâu và không cần thiết vào những hoạt động bình thường của thị trường. Bởi lẽ, không thể dùng sự “bất thường” để quản lý cái bình thường được vì nó đi trái với quy luật thị trường và quy luật tự nhiên.
Thanh Thảo