Du lịch

Hành trang lữ hành

Quản lý tour du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu đi du lịch của người dân cũng gia tăng. Không chỉ đi trong nước, những năm gần đây, thông qua các hãng lữ hành, rất nhiều người Việt Nam còn đi du lịch nước ngoài, nhiều nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia rồi đến Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Mặc dù hướng dẫn viên của các công ty lữ hành nước ta rất thông thạo tiếng nước ngoài nhưng theo quy định của ngành du lịch các nước, sau khi dẫn khách đến nơi, họ phải bàn giao du khách cho đồng nghiệp nước sở tại đảm nhiệm từ A đến Z. Tất nhiên, hướng dẫn viên nước sở tại nói tiếng Việt khá sõi. Hướng dẫn viên Việt Nam từ đó trở thành du khách đi theo đoàn. Quy định như vậy có nhiều thuận lợi cho ngành du lịch nước sở tại, trước hết là tạo việc làm cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Ngoại trừ tiền lương do công ty du lịch trả, đội ngũ hướng dẫn viên còn được nhận tiền tip của du khách, thông lệ là 3 USD/ngày/người, đồng thời còn được các cơ sở sản xuất, kinh doanh chi trả tiền hoa hồng nếu như du khách mua hàng… Đoàn càng đông người, mua sắm nhiều và lưu trú càng lâu ngày thì hướng dẫn viên càng có thu nhập cao. Đó là chưa kể nhiều hướng dẫn viên còn làm thêm dịch vụ hướng dẫn khách đi chơi ban đêm các điểm ngoài tour, đổi tiền hay mua giúp sim, card điện thoại cho du khách cũng có thêm một khoản tiền đáng kể…
Ở nước ta, ưu thế bờ biển dài, rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và đời sống văn hóa các dân tộc phong phú, đặc sắc… đã góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng… Tại các địa phương này, không chỉ các hãng du lịch lữ hành có doanh thu tăng hàng năm mà kinh tế của nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình cũng phát triển mạnh nhờ bán hàng nông thổ sản, hàng lưu niệm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, homestay; đưa đón, biểu diễn văn nghệ cộng đồng phục vụ du khách…
Thế nhưng, cũng từ các tour du lịch đón khách nước ngoài gần đây đã nảy sinh không ít hiện tượng tiêu cực, gây phản cảm xã hội và ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các cơ sở du lịch lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa. Những tháng đầu năm nay, Sở Du lịch Quảng Ninh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng TP. Móng Cái kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành qua cửa khẩu Móng Cái, qua đó lập biên bản 16 trường hợp hướng dẫn viên vi phạm, xử phạt 9 hướng dẫn viên của 4 công ty lữ hành. Ở Đà Nẵng, đầu tháng 8-2018, Thanh tra Sở Du lịch đã phối hợp với Công an thành phố kiểm tra và phát hiện 23 người nước ngoài có hoạt động điều hành, hướng dẫn du lịch trái phép; đã xử phạt 20 người với tổng mức phạt 323 triệu đồng, buộc xuất cảnh và đưa vào diện chưa nhập cảnh 11 trường hợp.
Theo quy định, mỗi tour du lịch phải có 2 hướng dẫn viên (1 người Việt và 1 nước ngoài) và việc ghi danh theo tour, tuyến do hướng dẫn viên Việt Nam đứng tên. Nhưng thực tế, trực tiếp hướng dẫn tour ở các điểm du lịch tại Việt Nam lại là hướng dẫn viên nước ngoài. Hướng dẫn viên người Việt vì vậy đâm ra thất nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, các tour du lịch 0 đồng nở rộ lại càng làm cho tình hình kinh doanh du lịch tại các danh thắng của nước ta thêm phức tạp, các dịch vụ hầu như không thu được lợi nhuận. 
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi nhuận cao, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho nhiều người, các công ty du lịch lữ hành cần nghiêm chỉnh thực hiện quy định chặt chẽ về tour, tuyến liên kết cả trong và ngoài nước.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm