Quan sát những thứ bọn trẻ sử dụng, tôi thấy nhiều món không hữu ích, nếu không muốn nói là vô bổ, lãng phí.
Tôi cũng đã từng có những năm tháng tuổi thơ ngóng chờ trong tâm trạng vừa hồi hộp, vừa vui sướng, khi vào những ngày Tết, được cầm trên tay những đồng tiền mừng tuổi mọi người dành cho mình. Sau Tết, chúng tôi đưa cho người lớn trong nhà, gọi là “giữ giúp”, nhưng kỳ thực, những đồng tiền ít ỏi ấy không khi nào quay trở lại với chúng tôi nữa. Một phần vì ngày trước, chúng tôi chẳng có nhu cầu gì nhiều, quần áo và những vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt thì cha mẹ sắm cho. Phần vì khi ấy ai cũng khó khăn, thứ khiến người lớn lo lắng nhất vẫn là cái ăn, cái mặc nên vì thế mà chúng tôi hầu như không đòi hỏi.
Nhưng trẻ con bây giờ đã khác rất nhiều. Khi xã hội ngày một phát triển, cuộc sống được cải thiện và có phần đỡ thiếu thốn hơn thì đối tượng được quan tâm hàng đầu bao giờ cũng là con trẻ. Tâm lý chung của các bậc cha mẹ là thường ưu tiên cho con cái những gì mà họ cho là tốt đẹp nhất. Nhiều người còn cho rằng, mình đã từng sống trong nghèo khó thì phải bằng mọi cách bù đắp để con không khổ như mình ngày trước, dù thực sự chưa phải là dư giả gì. Nói chung, có bao nhiêu ông bố bà mẹ thì sẽ có bấy nhiêu quan điểm về cách nuôi dạy con, thậm chí trong một nhà, phương pháp của bố cũng khác mẹ. Nhưng có thể, tôi chỉ dám nghĩ và nói là có thể thôi, nhiều người trong chúng ta đang sai lầm khi tạo cho trẻ quá nhiều điều kiện, thậm chí vượt quá khả năng mà chúng ta đang có.
Minh họa (nguồn: Internet) |
Trẻ con bây giờ có rất nhiều “nguồn” tiền để có thể tự do chi tiêu. Bố mẹ cho tiền ăn sáng, nhịn ăn để dành; bố mẹ thưởng vì thành tích học tập tốt hoặc hoàn thành một việc gì đó; ông bà thương cháu, lâu lâu lén “giúi” cho cháu mấy đồng; nhiều trẻ còn biết tự kiếm tiền thông qua việc tham gia các trò chơi trực tuyến trên mạng internet…
Người lớn bây giờ cũng không thể yêu cầu trẻ phải đưa tiền cho mình giữ, trẻ nhỏ hiện nay có những lập luận rất sắc sảo, chúng có nhiều “quyền” hơn thế hệ trước rất nhiều. Vì vậy, người lớn nên chủ động hướng dẫn trẻ phương pháp chi tiêu, phân tích cặn kẽ và tư vấn trẻ khi chúng muốn mua một món đồ nào đó. Nếu thấy món đồ trẻ muốn mua là hợp lý thì cũng nên tìm hiểu để có những ý kiến xác đáng khi tư vấn cho trẻ. Để chúng cảm thấy gần gũi và luôn muốn lắng nghe ý kiến của mình.
Nhiều gia đình hiện nay thường có trong nhà một con heo đất, có thể bỏ vào đấy những đồng tiền lẻ hàng ngày đi chợ về, tiền mừng tuổi của con… Đầu năm học đập heo để lấy tiền mua sách vở, quần áo đồng phục, cũng được một khoản. Hoặc nếu có một kế hoạch lớn hơn, như ý định mua máy tính, điện thoại, xe đạp… cũng nên dạy trẻ con tiết kiệm bằng cách nuôi heo đất như vậy. Người xưa dạy: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm”. Việc dạy trẻ biết tiết kiệm không chỉ giúp trẻ biết dành dụm, “tích tiểu thành đại”, mà quan trọng hơn, chúng ta còn dạy trẻ biết xây dựng những mục tiêu và phương pháp để thực hiện được mục tiêu ấy bằng những việc làm cụ thể.
Tôi đã có khá nhiều năm làm công tác giáo dục. Qua thời gian dài quan sát và đối sánh, tôi thấy rằng, những đứa trẻ được gia đình quản lý nghiêm ngặt và hướng dẫn chi tiêu hợp lý về tài chính, khi lớn lên, sẽ có cuộc sống thoải mái và dễ chịu, nhờ biết sắp xếp và hoạch định mọi việc. Những người như vậy sẽ luôn chủ động được cuộc sống của mình, không bị rơi vào thế bị động khi xảy ra những biến cố cần sử dụng đến tài chính. Ngược lại, có những gia đình có thể có nền tảng kinh tế tốt, nhưng vì không biết chi tiêu, sống không có kế hoạch, vung tay… lại thường bị rơi vào tình trạng quá đà, mất kiểm soát. Khi xảy ra những việc ngoài ý muốn, họ thường khó bề xoay trở.
Nhu cầu trong cuộc sống con người rất vô hạn, thứ gì cũng có sức lôi kéo, cám dỗ, khiến chúng ta “tặc lưỡi” và móc hầu bao, dù thực sự những món đồ ấy không phải để phục vu nhu cầu cần thiết. Việc xây dựng cho trẻ nhỏ những thói quen tốt ngay từ những năm tháng đầu đời rất quan trọng, quyết định đến sự hình thành tính cách trẻ khi chúng trưởng thành. Nhiễm thói xấu thì nhanh, nhưng để hình thành một thói quen tốt lại mất rất nhiều thời gian, có khi là cả một đời người. Tập cho trẻ quản lý tiền bạc và biết chi tiêu hợp lý, thiết nghĩ, là một kỹ năng rất cần thiết trong đời sống hiện nay.