Kinh tế

Quản lý và khai thác khoáng sản ngày càng minh bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch là cơ sở quan trọng cho việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tỉnh ta thời gian qua, công nghiệp khai thác khoáng sản, bên cạnh những đóng góp tích cực cho xã hội còn bộc lộ một số hạn chế cần tích cực khắc phục để vừa khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên này cho tương lai, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến môi trường.

Tài nguyên khoáng sản Gia Lai khá phong phú với nhiều chủng loại như: đá ốp lát, đá granít, đá gabrô, bazan trụ khối, kim loại quặng sắt, quặng chì, kẽm, cát, đá xây dựng… Toàn tỉnh hiện có 66 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực được cấp cho 46 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, trong đó Bộ Công thương cấp 2 giấy phép, số giấy phép còn lại UBND tỉnh cấp. Trong tổng số  66 giấy phép còn hiệu lực thì nhiều nhất là giấy phép khai thác đá xây dựng với 21 giấy phép; khai thác cát xây dựng 10 giấy phép; đá bazan trụ, khối 11 giấy phép; đá granít ốp lát 9 giấy phép và đá gabrô ốp lát 8 giấy phép… Hầu hết các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ.

 

Khai thác, chế biến đá granít tại huyện Kông Chro. Ảnh: H.D
Khai thác, chế biến đá granít tại huyện Kông Chro. Ảnh: H.D

Ông Hồ Mậu Long-Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh như triển khai kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản được thực hiện khá nghiêm túc, nhất là việc cấp phép hoạt động khoáng sản trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản được xem xét rất thận trọng, hầu như không để xảy ra trường hợp nào. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng thực hiện đúng, đủ các quy định, khai thác đúng thiết kế, có hợp đồng thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời với việc đề cao hiệu quả kinh doanh khoáng sản là gắn với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong những cuộc thanh-kiểm tra đột xuất gần đây của cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, khai thác ngoài khu vực cấp phép. Theo đó đã có gần 20 tổ chức, cá nhân bị xử phạt.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác gặp khá nhiều khó khăn bởi phần lớn các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh có trữ lượng nhỏ, nằm phân tán, chủ yếu phân bố ở khu vực miền núi, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, xa trung tâm hành chính huyện, xã. Việc doanh nghiệp “quên” đóng các khoản ký quỹ như thuế và lệ phí bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề khá nổi cộm, trong khi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp đã cam kết thực hiện khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Trong số 63 mỏ đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền 40.838.670.050 đồng, từ năm 2012 đến 2014 có 50 mỏ đã nộp tiền lần đầu và các lần tiếp theo với số tiền ký quỹ là 12.818.429.736 đồng, năm 2015 là 188.169.924 đồng tại Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh, các ngân hàng và tổ chức tín dụng địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh gửi thông báo đến các doanh nghiệp đôn đốc việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định nhưng đến nay vẫn còn khá nhiều mỏ chưa nộp đủ số tiền ký quỹ theo kỳ phải nộp. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của việc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác chậm trễ nộp thuế tài nguyên môi trường và phí dịch vụ môi trường là do trước đây UBND các huyện phê duyệt tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường nhưng chưa tính đúng, tính đủ theo quy định.

Ông Long cho biết thêm, để công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng theo quy hoạch và quy định, nhiều giải pháp đã được triển khai, ngoài việc các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm của mình, liên tục thanh-kiểm tra, kiểm soát việc khai thác khoáng sản trái phép thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là thực hiện tốt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thể hiện tại Kế hoạch số 4734/KH-UBND của UBND tỉnh. So với phương thức xin cấp phép khai thác khoáng sản như trước giờ thì phương thức đấu giá sẽ nâng cao tính minh bạch, bởi đấu giá sẽ công khai thông tin tài sản được đem đấu giá và năng lực của người tham gia đấu giá. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kể cả đấu giá ở khu vực đã có kết quả thăm dò hay chưa có kết quả thăm dò thì mục đích chính là chọn ra được tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản thông qua hình thức đấu giá công khai.

Khai thác khoáng sản là hoạt động chịu nhiều rủi ro vì tài nguyên nằm dưới lòng đất, nếu doanh nghiệp không có chuyên môn sẽ không thể biết quặng phân bố như thế nào, bởi vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có năng lực tài chính để đầu tư dài hơi, nghiêm túc.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm