(GLO)- Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh được triển khai thường xuyên, góp phần đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Nhờ được khám sức khỏe ban đầu, em Châu Thị Thảo Ngân (lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku) phát hiện mình có bệnh về mắt, qua đó kịp thời đi khám và có biện pháp điều trị tích cực. Ngân chia sẻ: “Hàng năm, nhà trường đều tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Em thấy việc này rất thiết thực. Bản thân em năm nào cũng đi khám đầy đủ để xem tật cận thị của mình có nặng thêm không hoặc có bệnh gì khác để điều trị. Không chỉ khám bệnh, bác sĩ còn tư vấn, hướng dẫn chúng em phòng ngừa bệnh học đường”.
Tại TP. Pleiku, trung bình mỗi trường học tổ chức ít nhất 1 đợt khám sức khỏe toàn diện cho học sinh trong năm học, nhưng có trường tổ chức 2 đợt nhằm giúp các em phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Cô Đồng Thị Thanh Hải-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu-cho biết: Năm học này, toàn trường có 30 lớp với gần 1.200 học sinh. Đầu năm học, nhà trường phối hợp với bệnh viện mắt tổ chức khám các bệnh về mắt; phối hợp với Trạm Y tế phường Hội Thương đo chiều cao, cân nặng, khám bệnh tổng quát, tổ chức tiêm ngừa và tẩy giun… cho toàn bộ học sinh.
Nhân viên Trạm Y tế phường Hội Thương (TP. Pleiku) khám sức khỏe cho học sinh. Ảnh: N.N |
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có Phòng Y tế và nhân viên y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe học sinh được triển khai thường xuyên. Nguồn kinh phí bảo hiểm y tế trích chuyển lại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. “Qua khám sức khỏe đã phát hiện nhiều bệnh phổ biến, nhưng cũng có khi phát hiện một số bệnh lý ở trẻ mà trước đó gia đình không biết. Với những trường hợp này, nhà trường đã thông báo kịp thời cho phụ huynh để đưa con em đi thăm khám, điều trị”-cô Hải thông tin.
Những năm gần đây, Trạm Y tế phường Hội Thương thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch-Trưởng trạm Y tế phường-cho hay: “Năm học 2019-2020, qua khám sức khỏe cho 5.697 học sinh của 5 trường học trên địa bàn, Trạm đã phát hiện 983 học sinh có bệnh về mắt, chiếm tỷ lệ 17,2%; 704 cháu có bệnh về răng-hàm-mặt, chiếm tỷ lệ 12,4%, còn lại là các bệnh tai mũi họng, hô hấp, tiêu hóa”.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh được chú trọng triển khai tại Gia Lai. Ảnh: N.N |
Thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) chia sẻ: Năm học này, nhà trường có 18 lớp với 751 học sinh. Trường không có nhân viên y tế trường học nên phải hợp đồng với Trạm Y tế xã Ia Hlốp trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Thuận lợi là Trạm Y tế xã nằm sát trường học nên học sinh được thăm khám sức khỏe thường xuyên. Trong quá trình học tập, vui chơi, nếu học sinh bị tai nạn thương tích thì cũng được cấp cứu ban đầu kịp thời.
Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học trên địa bàn, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá tình hình. Kết quả kiểm tra 112 trường học trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua ghi nhận 107 trường đạt tiêu chuẩn y tế học đường, 5 trường không đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Thông-Trưởng khoa Sức khỏe Môi trường-Y tế trường học- Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận xét: Nhiều trường đã cập nhật Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 12-5-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học và đã triển khai thực hiện tốt. Nhìn chung các trường đã bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, bàn ghế, bảng viết; đảm bảo đủ số lượng công trình vệ sinh phục vụ học sinh; thực hiện thu gom và xử lý rác thải; phối hợp với y tế địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
NHƯ NGUYỆN